ClockThứ Năm, 04/12/2014 06:56

Cưỡng bức cải cách

TTH - Có lần, khi nói về sức ép phải cải cách, lấy ví dụ từ ngành thuế, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Đùng một cái, họ cắt giảm được 200 giờ nộp thuế. Họ chỉ cắt giảm khi có sức ép từ trên xuống. Đó là sự vô trách nhiệm. Cho nên tôi nói, phải cưỡng bức cải cách là thế”.

Nhìn vào thực tế, cái cách mà ông Thiên nói, phải tạo một sức ép cho cải cách là quá chính xác. Không có sức ép, khó có thể diễn ra sự cải cách một cách mạnh mẽ.

Cũng lấy ví dụ từ ngành thuế, họ lấy ở đâu ra 200 giờ để mà rút ngắn thời gan làm thủ tục thuế? Đó là vì ngành thuế hồi giờ vận hành với một thủ tục quá rườm rà, thậm chí là rắc rối. Đó là vì ngành thuế vận hành với một đội ngũ cán bộ, không phải là tất cả nhưng không ít trong số ấy, chưa thực hiện tốt trách nhiệm… Cũng bộ máy ấy, cũng con người ấy nhưng hồi giờ làm mất thêm 200 giờ của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế. Từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết, yêu cầu ngành thuế cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế thì đã tiết kiệm cho doanh nghiệp được 200 giờ. Mà cũng cần biết rằng, thời gian này có thể còn rút ngắn nữa. Singapore chỉ có 82 giờ, Malaysia 133 giờ, trong khi Việt Nam lên tới 872 giờ. Đi nộp tiền mà còn khổ như thế huống gì đi lấy tiền?

Ở Thừa Thiên Huế, cái chuyện làm thẻ đỏ cho dân cũng vậy. Cái thẻ đỏ quan trọng cho cả hai bên: người dân và Nhà nước. Dân thì yên tâm về tài sản của mình. Có thẻ đỏ còn có thể giao dịch với ngân hàng, lấy vốn làm ăn. Nhà nước thì dễ dàng quản lý tài nguyên đất đai. Thế mà việc cấp thẻ đỏ cho dân vẫn cứ ì ạch mãi. Đến khi UBND tỉnh có lệnh, các địa phương phải đẩy mạnh tiến độ cấp thẻ đỏ cho dân như là một “chỉ tiêu pháp lệnh”, thì công việc mới chạy nhanh. Năm ngoái, trong một cuộc giao lưu trực tuyến, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chủ trì, số liệu cho biết đã đạt gần 90%. Có địa phương chủ tịch UBND huyện còn đích thân chỉ đạo việc này. Vậy là công việc trôi chảy. Đây cũng là hiệu quả từ việc tạo” sức ép từ trên”.

Từ hai ví dụ nêu trên cho thấy một điều, với bộ máy hành chính của ta hiện nay, nếu không có những mệnh lệnh mang tính “pháp lệnh” như vừa nêu thì khó có một sự chuyển biến tích cực. Hay nói cách khác, bản thân nền hành chính tự nó ít có nhu cầu thay đổi. Muốn có thay đổi phải có một sự tác động từ ngoại lực. Vì vậy nên tăng cường tạo ra những lực tác động từ bên ngoài. Ngoại lực tác động thì có nhiều cách. Có thể là một mệnh lệnh hành chính. Nhưng cũng có thể tạo ra một môi trường cạnh tranh, hội nhập. Điều này nhìn thấy rất rõ những chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam gần đây từ khi Chính phủ có những cam kết với nhiều hiệp định hợp tác kinh tế song phương, đa phương. Nói nôm na, khi một mình anh, anh muốn làm gì thì làm, nhưng khi anh chơi với tôi thì anh phải thế này, thế kia cho nó phù hợp với cái chung. Điều này đã tạo ra một lực đẩy hết sức mạnh mẽ. Chúng ta muốn hội nhập, tham gia một sân chơi chung ở tầm khu vực và quốc tế, không có cách nào khác là phải cải cách, thực hiện những cam kết.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top