ClockThứ Năm, 16/08/2012 06:07

Dân biết & dân bàn...

TTH - Báo cáo Chính trị Đại hội lần thứ XI trong phần phát huy dân chủ XHCN và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã nêu rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”. Vì vậy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những vấn đề quốc kế dân sinh phải để cho dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tinh thần dân chủ phải được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Để cho dân biết thì phải có chế độ thông tin đầy đủ, đa chiều về mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch của các cấp chính quyền, đoàn thể cũng như các cơ quan, đơn vị. Việc thông tin mang tính định hướng vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc, quyền lợi của nhân dân. Để cho dân bàn thì các cơ quan, tổ chức phải gần dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Cởi mở với nhân dân, nhân dân mới có điều kiện tham gia bàn bạc mọi việc, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các hoạch định, chương trình hành động thúc đẩy xã hội phát triển.

 

Dân biết, dân bàn, dân đồng thuận thì nhân dân sẽ hăng hái tham gia các công việc của đất nước, của địa phương. Để quản lý xã hội tốt thì phải trên cơ sở dân biết và dân bàn thấu đáo.

 

Thực tế lịch sử mấy nghìn năm, nhất là từ ngày Đảng ta ra đời cho đến nay, qua những cuộc chiến tranh vệ quốc ác liệt cũng như trong sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước đã chứng minh hùng hồn chân lý cao đẹp này. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nêu câu nói nổi tiếng của nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để nói lên sức mạnh của nhân dân “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu; khó vạn lần, dân liệu cũng xong”.

 

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, một thực tế khi chính quyền địa phương làm tốt công tác dân bàn, dân làm, nhiều công trình dân sinh đã được triển khai thực hiện đạt hiệu quả nhanh nhất. Đó là việc nhân dân huyện A Lưới, Phú Lộc, Nam Đông... tự nguyện hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm đường, xây dựng trường học. Làm được điều đó là do hệ thống chính trị ở cơ sở đem việc làm đường, làm trường bàn với nhân dân. Điển hình ấy, đúng ra phải được nhân lên trong các hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tạo thành phong trào sâu rộng, đa dạng trên các hoạt động phát triển KT-XH khác nhằm thúc đẩy xã hội phát triển nhanh và bền vững.

 

Trước nguy cơ tham nhũng còn trầm trọng, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước còn bị lạm dụng, biến tướng, thì chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phải trở thành một chủ trương to lớn, một hành động thiết thực, cụ thể, được thực thi rộng khắp, có thực chất mới mong đạt những hiệu quả rõ rệt. Đó cũng là giải pháp hạn chế, đẩy lùi và loại trừ tệ tham nhũng.

 

Nhìn thẳng vào sự thật, việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong thực tế còn nhiều điều trở ngại, khó khăn, nếu không nói là ở một số lĩnh vực chúng ta chưa thực sự để cho dân biết, dân bàn. Chính điều này là cơ hội cho những người biến chất, tham lam lợi dụng để tham ô, đục khoét tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khi bàn về nhận diện tham nhũng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tham nhũng trong tham mưu hoạch định chính sách là một trong những dạng tham nhũng phức tạp nhất vì nó khó nhận diện, khó phát hiện. Bởi đây là một cuộc hoạch định mà người dân thường khó mà biết được huống gì là nói chuyện dân bàn.

 

Do dân không biết, không được bàn nên một số đối tượng trung gian, cá nhân hưởng lợi từ sự “lạng lách” trong tham mưu, quyết định về một số chính sách. Rõ nét nhất là trong quy hoạch đất đai, tài nguyên rừng. Đất đai là tư liệu sản xuất của người dân, từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, đất đai trở nên vô giá. Vì giá trị của nó ngày càng đem lại lợi ích cao nên đất đai đã làm “mờ mắt” nhiều người. Không chỉ một số cán bộ “hoa mắt” mà một bộ phận nhân dân có “máu mặt” cũng loáng choáng lòng tham. Bộ phận này đã bất chấp lợi ích của cộng đồng tìm đủ cách lách luật để chiếm lấy đất đai.

 

Do dân không biết, dân không bàn nên một bộ phận không nhỏ cán bộ có thẩm quyền tham gia hoạch định quy hoạch thiếu chuyên môn, yếu năng lực lại hạn chế về phẩm chất, đạo đức, có điều kiện “luồn lách” tiêu cực. Chính điều này, chính sách có thể bị sai lệch, cơ hội cho cá nhân và một nhóm người trục lợi.

 

Việc bán rừng trồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là một thực trạng làm xôn xao trong dân. Một ngành chuyên môn có thể tham mưu hoạch định việc bán rừng. Bán rừng trồng là bán công sản của Nhà nước. Vậy mà dân không biết và không được bàn. Do ngành chuyên trách tổ chức bán quá kín nên rừng trồng chỉ bán cho một nhóm nhỏ cá thể mà thôi. Bán thì giấu kín, lại lên một đơn giá quá bí mật đã làm thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân. Khi các ngành kiểm tra, thanh tra vào cuộc, sự việc mới được phơi bày. Không chỉ sai phạm trong thủ tục đấu giá mà còn sai phạm trong hợp đồng mua bán – chuyển nhượng. Một cán bộ lãnh đạo cho rằng: đây là hiện tượng “đấu chui bán hẹp”. Không chỉ một ban quản lý rừng phòng hộ sai phạm mà nhiều đơn vị quản lý rừng có sai phạm tương tự.

 

Đó cũng là bài học không công khai minh bạch sự việc cho dân biết, dân bàn. Đã đến lúc cần có chế độ công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị để dân biết, dân làm, dân kiểm tra, (trừ những vấn đề bí mật quốc gia) nhất là các hoạt động về kinh tế - xã hội. Nếu dân biết, dân bàn được mở rộng, dân chủ được thực thi đúng thực chất thì nhóm cán bộ thoái hóa, biến chất khó có “đất dụng võ”, tham nhũng sẽ được đẩy lùi, niềm tin trong trong nhân dân được củng cố.

 

Chiến Hữu – Văn Chính

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top