Thứ Năm, 16/07/2015 15:49
(GMT+7)
Danh hiệu và sự tổn thương
TTH - Xôn xao và râm ran trong dư luận hiện nay là danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân sau khi được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao công bố. Tương tự các danh hiệu Nhà giáo nhân dân hay Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao quý nhất trao tặng cho các nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật.
Khỏi phải bàn tán nhiều, đó là ước mơ và mục tiêu phấn đấu lớn nhất của giới nghệ sĩ khi biết rằng, có hàng vạn người làm nghệ thuật nhưng bắt đầu từ năm 1984 cho đến nay, đã qua 7 đợt trao tặng, cả nước mới có 266 người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Thực tế cũng cho thấy, có nghệ sĩ chỉ mới nghe tên của họ xướng lên thôi cũng đã thấy xứng đáng, khiến bao người cũng như bao vùng đất chờ đợi, như trường hợp của cố nghệ sĩ tài danh xứ Huế là biên đạo múa La Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế. Còn điều mà dư luận râm ran nằm ở chỗ ngay cả cái danh hiệu cao quý này trong nhiều trường hợp vẫn đến không đúng người. Hoạt động nghệ thuật gắn liền với tài năng, sự đóng góp và nhân cách của người nghệ sĩ. Thế nên, có ai đó, được xã hội thừa nhận nhưng vẫn mãi đứng bên ngoài các danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân hay Nghệ sĩ ưu tú khiến dư luận bức xúc.
Cũng như bao danh hiệu khác trong xã hội hiện nay, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân cũng phải xét chọn, được thông qua một hội đồng và với những tiêu chí đề ra. Hội đồng là những con người cụ thể đôi khi cũng có sự cả nể và thiên vị nhất định không sao tránh được, nhưng ở những tiêu chí thì lòi ra nhiều chuyện đáng bàn. Sau nhiều ý kiến, mới đây nhất Nghị định 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú đã ra đời. Theo đó, để có danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân thì yêu cầu đầu tiên là nghệ sĩ phải được công nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (hẳn nhiên) và sau khi có danh hiệu này phải có ít nhất 2 giải vàng Quốc gia. Chưa tính là tình trạng một số ngành bị “bỏ quên” khi xét tuyển và cơ chế “xin - cho” làm cho không ít nghệ sĩ bị tổn thương.
Những tấm huy chương mà người nghệ sĩ có được thông qua những cuộc thi, hội diễn hay liên hoan và với nhiều nghệ sĩ đó không phải là mục tiêu hướng tới khi công việc của họ hằng ngày là biểu diễn, phục vụ bà con ở khắp mọi miền Tổ quốc quan trọng hơn nhiều. Với không ít nghệ sĩ lớn tuổi, họ không thể vì tấm huy chương mà tranh vai diễn với lớp trẻ. Bên cạnh đó, kể cả nếu muốn tham dự hội diễn thì cũng phải xem lại vai diễn có phù hợp hay không, chứ không phải cứ muốn là được. Nhiều nghệ sĩ lớn tuối cống hiến nhiều, không có huy chương trong các hội diễn, nhưng lại được các giải thưởng chuyên môn, được Bằng khen của Nhà nước… và đặc biệt là được đông đảo công chúng mến mộ tài năng, nhân cách. Họ hoàn toàn xứng đáng để xét phong tặng danh hiệu.
Việc phong tặng các danh hiệu cao quý, trong đó đặc biệt có danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân là cách để Nhà nước và cộng đồng xã hội ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của giới nghệ sĩ. Đó cũng là sự thể hiện cách ứng xử văn hóa đối với người nghệ sĩ. Thế nhưng trong nhiều trường hợp lại thấy “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Cách bình chọn, phong tặng theo cách xin- cho, với những tiêu chí xa rời thực tế khiến không ít nghệ sĩ bị tổn thương.
Đan Duy