ClockThứ Năm, 13/02/2014 14:42

Đấu vật và đua thuyền

TTH - Ngay từ sáng mồng hai Tết, hội đu tiên các làng Phước Yên (Quảng Điền) và Điền Hòa (Phong Điền) đã khai hội, nhưng phải đến mồng sáu Tết với hội vật làng Thủ Lễ (thị trấn Sịa, Quảng Điền) nô nức, đông vui và không khí tranh đua sôi nổi, lễ hội truyền thống đón chào xuân mới mới chính thức được xem là bắt đầu ở Thừa Thiên Huế.

Bốn ngày sau hội vật Thủ Lễ là đến hội vật làng Lại Ân (Phú Mậu, Phú Vang). Nơi ngã ba Sình huyền thoại, hội vật làng Lại Ân hay còn gọi là làng Sình gợi nhớ về hình ảnh những chiến binh năm xưa dũng cảm trong tháng ngày đầu tiên ông cha đi tìm đường mở cõi về phương Nam phải đương đầu với bao thử thách của địch họa và thiên tai. Cái thể thức nghiệt ngã của cuộc chơi, vật thua một “keo” là nghỉ hẳn, kẻ thắng phải đủ 3 “keo” mới được vào vòng trong, đặc biệt là cách tính chiến thắng theo kiểu “lấm lưng trắng bụng” khiến cho không khí lễ hội càng thêm sôi động. Ai cũng muốn một lần chiến thắng cho danh tiếng để đời và kẻ thua buộc phải xuống đài ngay càng nung nấu ý chí đợi tới hội vật năm sau phục hận. Tôi đã hiểu ra rồi, trong đoàn người nô nức tề tựu nơi sới vật bên ngã ba Sình kia, nhiều kẻ đã bao năm rồi quay quắt với câu ca mời gọi:“Dù ai đi đó đi đây/ Ngày mười hội vật nhớ quay về Sình”. Hội vật làng Sình và Thủ Lễ có cả hàng mấy trăm năm lịch sử đầy day dứt kia, đã theo năm tháng mà ngày càng đông vui và rộn ràng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Cũng là sự ganh đua, lễ hội đua thuyền (đua trải và đua ghe) lại mang tới những trải nghiệm vui nơi sông nước và nó là nét bổ sung tuyệt vời cho không khí lễ hội đầu năm ở vùng đất núi Ngự sông Hương. Xưa vào dịp tết hay trước khi bước vào vụ lúa mới, các làng quê ở Thừa Thiên đều tổ chức đua ghe, đua trải. Nay cái nếp xưa ấy vẫn tiếp tục. Mồng bảy Tết, chỉ một ngày sau hội vật Thủ Lễ, Quảng Điền lại tưng bừng với ngày hội đua ghe trên dòng sông Sịa. Trước đó một ngày là Phú Lộc với hội đua ghe truyền thống nơi vịnh Lăng Cô, rồi sau đó hai ngày tới lượt Hương Thủy với hội đua trãi trên sông Vực. Còn nhiều nữa nơi chốn làng quê hôm nay đón xuân bằng lễ hội đua thuyền xưa cũ kia. Và cũng đã mấy năm nay, tôi không quên đầu năm về sông Vực, cách quê mình chỉ một quãng đường để được chứng kiến sự tranh đua nơi sông nước và cảnh tượng người xe nườm nượp từ các nơi đổ về.

500 năm trước, tác giả của “Ô Châu cận lục” là Dương Văn An đã để lại cho hậu thế dòng chữ nhớ đời về Thuận Hóa: “Xuân sang thì mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch…”. Lại nhớ tới trong “Lịch triều tạp kỷ”, Ngô Cao Lãnh chép: “Tháng 2 năm Nhâm Tý (1672), Dũng Quốc công Nguyễn Phúc Tần, Tổng trấn Thuận Quảng, thấy trong phủ (bấy giờ) vô sự, bàn mở cuộc biểu diễn những món du hí, cho quân và dân kéo co, đánh vật ở phía dưới các Quyển Bồng. Người xem chật ních cả đường phố”. Xem ra, thì nhận xét và mô tả của Dương Văn An cùng Ngô Cao Lãnh năm xưa về đua thuyền và hội vật vẫn ứng nghiệm cho tới hôm nay. Hội xuân nơi vùng đất Cố đô phong phú, đa dạng và nhiều những sắc màu. Vậy nhưng, tôi nghĩ đông vui và ấn tượng nhất vẫn là hội vật và đua thuyền. Nó rộn ràng, sôi động bởi tính cạnh tranh và sự ganh đua, kích thích việc rèn luyện sức khỏe, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí đối với mọi người. Nó dân dã, gần gũi và sâu sắc bởi yếu tố tâm linh gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp luôn cầu mong cho “Mưa thuận gió hòa, Quốc thái Dân an”. Đặc biệt, nó như sự nhắc nhở sinh động, lưu lại cho hậu thế hôm nay và mai sau về tinh thần thượng võ và truyền thống sông nước của người dân xứ Huế quê mình.  

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top