ClockThứ Năm, 03/04/2014 05:55

Để bảo tàng trở thành sản phẩm du lịch

TTH - Hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ tài liệu, hiện vật, phim ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bồi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.

Chương trình “Phát triển du lịch tại các điểm di tích di sản, trong đó có bảo tàng” được Tổng cục Du lịch phối hợp với Cục Di sản văn hóa triển khai từ năm 2008, với mục đích thu hút hơn nữa khách du lịch đến với các bảo tàng. Tuy nhiên, sau gần 6 năm phát động, mục đích đạt được không được như mong muốn.

Theo ý kiến phản hồi từ phía du khách, phần lớn hiện vật được trưng bày ở nhiều bảo tàng vẫn còn theo sở thích của khách du lịch trong nước chứ không để ý đến sở thích của du khách quốc tế. Vấn đề làm thế nào để thu hút khách cần được đặt ra, theo ý kiến của cá nhân, tôi cho rằng, bảo tàng nên tăng cường thêm nhiều chương trình “động” vào không gian trưng bày để du khách dễ hiểu. Ngoài ra, cần phải đưa thêm vào không gian trưng bày nhiều hình ảnh, hoạt động sinh động hơn nữa để tạo sức hút và điểm nhấn văn hóa. Đơn cử như Bác Hồ rất quan tâm đến vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc, nhưng phần trưng bày vẫn chưa thể hiện hết điều này. Bác Hồ đã từng đến hơn 30 nước trên con đường đi tìm đường cứu nước, việc thành lập một bản đồ ghi dấu những nơi Bác đã qua là điều cần làm, với khách du lịch, đây là điều quan trọng vì khi vào tham quan, nếu họ biết thông tin vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam đã từng đến nước họ thì điều này thật sự ý nghĩa.

Trong Chiến lược phát triển, Du lịch Thừa Thiên Huế chọn yếu tố văn hóa và di sản làm nền tảng cho việc hình thành các sản phẩm du lịch. Trước sự cạnh tranh của sản phẩm du lịch ngày càng khó khăn như hiện nay, hệ thống bảo tàng nói chung, bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng muốn tồn tại phải tạo được điểm nhấn với những sản phẩm trưng bày độc đáo, kịp thời đưa thông tin đến các đơn vị lữ hành, và tất nhiên vẫn cần có một lộ trình hợp tác cụ thể để có thể đưa bảo tàng trở thành một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Bởi vì vai trò của các hãng lữ hành-trong đó đại diện là các hướng dẫn viên du lịch là một trong những điều kiện cơ bản để du lịch của một điểm đến phát triển.

Tham khảo ý kiến của hướng dẫn viên cho thấy, khi dẫn khách vào thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, sản phẩm để giới thiệu với khách khá trừu tượng và cần nhiều thời gian. Bởi mỗi một hiện vật, đằng sau là cả một câu chuyện. Trong khi đó, khách đi tham quan các điểm du lịch thuộc quần thể di tích Cố đô Huế mất khá nhiều thời gian. Đến cuối tour vào bảo tàng chỉ còn rất ít thời gian nên ít hướng dẫn viên chuyển tải hết thông tin tới du khách. Để giới thiệu cho khách nước ngoài đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh cần khoảng 2 tiếng. Nhưng hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh thường đóng cửa nghỉ trưa lúc 11 giờ 30, và 14 giờ chiều mới mở cửa trở lại, trong khi đó hầu hết các bảo tàng thường mở thông tầm cả buổi trưa để thu hút khách. Chính vì vậy, khi ít thời gian, hướng dẫn viên sẽ cắt chương trình vào bảo tàng.

Thực tế là giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cần kiến thức sâu, do đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường dạy về du lịch tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, tập huấn nâng cao kiến thức cho hướng dẫn viên, bởi hơn ai hết đây chính là lực lượng chuyển tải thông tin tới du khách. Thông tin chuyển tải chắt lọc, có nghiệp vụ sẽ làm du khách hiểu hơn về Bác Hồ và thấy việc đến với bảo tàng có nhiều ý nghĩa hơn.

Một vấn đề cần được đặt ra, đó là những sản phẩm lưu niệm gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được tổ chức trưng bày có hệ thống và phải có sự chắt lọc, về với làng Sen quê Bác chúng ta có thể thấy được điểm mạnh này.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường, để cuốn hút được khách thì các Bảo tàng cần phải có cách tiếp cận hiện đại hơn cũng như cần có sự thay đổi cho hợp với tâm lý của du khách. Điều phải thay đổi đầu tiên chính là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại bảo tàng. Hướng dẫn viên là người thổi hồn cho bảo tàng. Bảo tàng sinh động hấp dẫn hay tẻ nhạt, đơn điệu cũng là nhờ hướng dẫn viên. Ngoài ra còn rất cần yếu tố phụ nữa là quà lưu niệm cho du khách. Ở nhiều nước trên thế giới, họ làm rất đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại mang đến cho du khách ấn tượng sâu đậm.

Trần Viết Lực
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top