ClockThứ Tư, 29/09/2010 19:21

Di tích "đói" kinh phí

TTH - Theo số liệu từ Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, khoảng 40% số di tích Quốc gia và cấp tỉnh trên địa bàn đang trong tình trạng xuống cấp. Điển hình như di tích Thanh Bình từ đường trên đường Chi Lăng (TP Huế), một di tích cấp Quốc gia được công nhận từ năm 1992, sau vài lần tôn tạo chắp vá, đang bị đột nát. Hay di tích Đình làng An Cựu, vừa được công nhận di tích cấp tỉnh cách đây chưa lâu cũng trong nỗi lo đổ, sập vì xuống cấp.

Báo cáo từ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho thấy, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 891 di tích và có dấu hiệu di tích cần biện pháp bảo vệ (bao gồm 532 di tích lịch sử cách mạng, lưu niệm danh nhân và sự kiện lịch sử; 298 di tích kiến trúc nghệ thuật; 44 di tích khảo cổ học và di tích thời kỳ Champa; 17 di tích danh thắng). Trong đó, có 81 di tích đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 40 di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh. Tương ứng với số lượng di tích này, nếu áp dụng theo Quyết định 105/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức đầu tư cho Thừa Thiên Huế để trùng tu, tôn tạo di tích hàng năm phải đạt từ 60-70 tỷ đồng.

Thực tế, mỗi năm, nguồn kinh phí dành cho trùng tu di tích từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá dành cho tỉnh chỉ từ 25-30 tỷ đồng. Số kinh phí này chủ yếu tập trung cho hệ thống di tích triều Nguyễn thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đây là một thiệt thòi lớn cho hàng trăm di tích khác. Cũng do bài toán kinh phí này mà không ít di tích ở Huế, sau thời gian dài xuống cấp, báo chí lên tiếng, đánh động mới được tiến hành trùng tu, tôn tạo như trường hợp di tích Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự, dù số tiền để tôn tạo di tích này chỉ mất 500 triệu đồng.

Trước bài toán nan giải trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, đến nay, Quần thể di tích cố đô Huế đã được công nhận Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, do đó nên tách riêng phần kinh phí đầu tư cho hệ thống di tích này. Có như vậy, nguồn kinh phí phân bổ mới khỏi chồng lấn. Bởi nếu gộp chung, nhìn tổng thể, ngỡ như kinh phí rót cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích cho Thừa Thiên Huế không ít so với các địa phương khác. Tuy nhiên, với trên 80% tập trung cho hệ thống di tích triều Nguyễn, sau khi phân bổ, chiếc “chăn” kinh phí này đã không đến được nhiều di tích khác ở Huế (cũng không kém phân quan trọng) đang chờ cứu nguy khẩn cấp.
 
Tiểu Muội
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top