Ông Lê Trường Lưu trao bằng di tích lịch sử cách mạng địa điểm Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945 (ngày 22/12/2010).
Cách nay 5 năm, có dịp vào Cao Lãnh (Đồng Tháp), buổi chiều dạo chơi tôi có “sáng kiến” gọi một tài xế xe lôi (xe đạp kéo), đề nghị anh chở đến bất kỳ một địa điểm nào đáng xem nhất trong thị xã (lúc đó, Cao Lãnh chưa lên thành phố). Điều khiến tôi bất ngờ và xúc động khi địa chỉ đầu tiên mà tôi được diện kiến và viếng thăm là lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ. Cũng là một chuyện khá lý thú, tài xế xe lôi là một thanh niên còn khá trẻ nhưng hiểu biết khá nhiều và sâu sắc về di tích cách mạng này. Sau này, nhiều lần đem chuyện mạn đàm cùng những bạn tâm giao, tôi rút ra kết luận, rằng Cao Lãnh (Đồng Tháp) không nhiều địa điểm du lich như Huế chỉ là một lý do. Vấn đề căn bản ở đây là tình cảm dành cho cách mạng và việc quảng bá du lịch ở vùng đất miền Tây này được làm khá tốt nên đã thấm sâu vào tận suy nghĩ người dân thường mà anh lái xe lôi kia là một minh chứng sinh động.
Mới đây, tôi có dịp được đọc bản đề án quy hoạch, phát triển du lịch huyện Quảng Điền đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Thì ra, là một vùng nông thôn nhưng Quảng Điền cũng đã có một tiềm năng du lịch đáng nể. Bên cạnh cụm du lịch thành cổ Hoá Châu, cụm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng biển và đầm phá, cụm du lịch làng nghề, Quảng Điền có một loạt những địa chỉ du lịch tham quan là các di tích lịch sử, trong đó có nhiều di tích lịch sử cách mạng mà tiêu biểu, như: Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, di tích lịch sử cách mạng Hội nghị Nam Dương, Khu lưu niệm nhà thơ cách mạng Tố Hữu (đang xây dựng) cùng các đình làng Thủ Lễ, Thuỷ Lập.
Di tích lịch sử cách mạng, những địa chỉ đỏ, thực sự đang là điểm đến du lịch ở Thừa Thiên Huế. Vấn đề còn lại là cách làm, phải biết khơi dậy tiềm năng quan trọng này ở một vùng đất du lịch như Thừa Thiên Huế. Chắc chắn, nó không phải là công việc chỉ riêng ngành du lịch.
Đan Duy