ClockThứ Năm, 19/03/2015 17:41

Điều chỉnh và… điều chỉnh

TTH - Điều chỉnh có thể được xem như là một giải pháp không thể khác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dịch vụ khi giá xăng được điều chỉnh tăng thêm 1.610 đồng/lít (từ ngày 11/3) và giá điện được điều chỉnh lên bình quân 1.622,05đ/kW/h (tăng 7,5%) kể từ thứ hai (16/3) vừa qua.

Dù thế nào đi chăng nữa thì việc điều chỉnh tăng giá xăng và nhất là giá điện lần này cũng đã đặt các doanh nghiệp vào tình thế phải giải một bài toán khó, nhất là khi nhiều đơn hàng đã được ký kết từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 để lên kế hoạch sản xuất cho cả năm 2015. Trong một tổng thể chung, bên cạnh sản xuất xi măng, sắt thép, các ngành sản xuất khác như bia, nước giải khát, giao thông vận tải… cũng chịu tác động không nhỏ khi chi phí điện và cước vận chuyển tăng. Đối với dệt may, dù chi phí điện năng không bằng các ngành sản xuất khác như đã kể trên, song tác động của sự điều chỉnh này là rất lớn. Điều này không chỉ được thể hiện ở tổng số tiền điện phải trả/tháng trong quá trình sản xuất mà còn ở các chi phí vật tư khác như vải, phụ liệu, bao bì, vận chuyển nội bộ, thuê vận chuyển đến các dịch vụ khác như in, hấp, nhuộm… Chi phí sản xuất hóa chất, phân bón sẽ tăng 7% theo giá điện mới theo thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng là một tin không vui đối với sản xuất nông nghiệp, dù nó gần như được hiểu đương nhiên phải như vậy.

Có những nhận định cho rằng, tăng giá thành không nhất thiết kéo theo tăng giá bán tương ứng do doanh nghiệp đang chịu áp lực cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, đây chỉ là cái nhìn ngắn hạn. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp/nhà sản xuất sẽ không thể nào đủ sức chịu “nóng” lâu dài khi các chi phí khác trong quá trình sản xuất đã chạm ngưỡng điều chỉnh. Chẳng hạn như đã tiết giảm đến mức tối đa việc tiết kiệm và hao phí điện năng, công suất cũng như sắp xếp, hợp lý hóa lại các phương án nhân lực… như một trong những giải pháp chính để duy trì đơn hàng, bạn hàng, dòng tiền và nuôi lao động. Thậm chí cũng không ngoại trừ việc các doanh nghiệp/nhà sản xuất sẽ tiếp tục tinh giảm bộ máy từ quản lý, hành chính đến nhân công để giảm chi. Điều này cũng có thể được hiểu là, áp lực tăng giá trong tương lai là điều không tránh khỏi. Từ điều chỉnh giá xăng, giá điện một mặt có thể xem như một cơ hội để trước hết, các doanh nghiệp/nhà sản xuất “tái cơ cấu” lại các giải pháp sản xuất nhưng mặt khác, khó khăn cũng đồng hành với áp lực trong quá trình này.

Bia Huế, Dệt may Huế, xi măng Kim Đỉnh, Đồng Lâm… và có lẽ, tất cả các ngành sản xuất hay dịch vụ khác đều đang bắt tay ngay vào việc thực hiện các giải pháp để ứng phó khi giá xăng, giá điện tăng. Khó có thể đưa ra một dự báo ở tương lai về một sự tăng trưởng cụ thể như thế nào khi sức mua đang rất phập phù, không dễ đoán.

Bình Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top