Huế được xem là đô thị hạt nhân nối kết với quá trình đô thị hóa lan tỏa về các huyện lỵ. Ngoài thành phố Huế, thời gian qua trong nỗ lực mở rộng không gian đô thị, Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng không gian đô thị ở thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà. Các thị trấn, thị tứ Thuận An, Bình Điền, Phú Lộc... cũng đang trong tiến trình chỉnh trang, nâng cấp để nối kết chuỗi đô thị sinh thái để trong tương lai Thừa Thiên Huế là một thành phố đặc thù phát triển cân bằng, hài hòa có khả năng đối phó với những thay đổi trước tác động khách quan và chủ quan.
Trong phát triển, quy hoạch, xây dựng đô thị, cây xanh được xem là đối tượng đặc biệt chú ý trong bố trí cảnh quan, chủng loại thích hợp với môi trường, khí hậu, tác dụng tâm lý và vai trò cải thiện hệ sinh thái. Trong bối cảnh toàn cầu hóa nóng lên thì cây xanh làm giảm lượng CO2 và tẩy đi mọi chất bẩn trong không khí như ngăn bụi, giảm tiếng ồn, tạo bóng mát và chống gió nữa. Cây xanh giúp chống xói mòn và giữ đất, tạo nên phong cảnh, cung cấp nơi cư trú, thức ăn cho các loài chim và bảo vệ cư dân thành phố.
Là một chuyên gia nghiên cứu và đóng góp cho quá trình phát triển đô thị Huế, giáo sư, tiến sĩ, kiến trúC sư Hoàng Đạo Kính khẳng định Huế sở hữu những di sản đô thị và Huế là đô thị di sản. Đô thị - di sản Huế hợp nhất những thành phần di sản, đó là: Kiến trúc triều Nguyễn; kiến trúc đô thị; các làng truyền thống; kiến trúc thuộc địa; cảnh quan thiên nhiên nhân văn và đô thị hóa. Ông cho rằng bài học rút ra từ di sản kiến trúc chính thống Huế là tôn trọng tương quan giữa không gian kiến trúc và không gian tự do, sự tuần hoàn của những khoảng đất không bị chiếm cứ, xen cài và lồng ghép trong những trật tự kiến trúc, tạo nên những nhịp điệu, đặc và loãng. Cùng với kiến trúc triều Nguyễn, mảng phố thời Pháp là điểm tựa về quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về các thị trấn, thị tứ ở những thời kỳ tiếp theo.
Hơn 10 năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi đáng kể. Đô thị Huế với những hệ thống hạ tầng, công viên cây xanh, bờ sông... được chỉnh trang, tôn tạo, xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn. Một số khu đô thị mới và nhiều công trình cao tầng mọc lên ở trung tâm thành phố và các vùng phụ cận đã tạo nên sức sống mới cho đô thị Huế. Trong sự phát triển chung phải thấy rằng Huế đặc biệt quan tâm đến việc quy hoạch, chọn cây xanh cho các tuyến phố mới. Trung tâm công viên cây xanh là đơn vị chuyên nghiệp, đầu tư nhiều công sức trong chọn cây, bố trí không gian trồng thích hợp ở các tuyến đường, tạo cảnh quan xanh cho sự lan tỏa của Huế ra các vùng phụ cận.
Tổ chức dải cây xanh cho các tuyến phố và cho các không gian xanh đô thị như công viên cây xanh, vườn hoa, dải cây xanh cách ly... sẽ khai thác tối đa vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên đô thị. Trong quy hoạch, các không gian cây xanh được coi như lá phổi của phố thị, là không gian chức năng thành phố ban tặng cho cư dân đô thị tận hưởng không khí trong lành hiếm hoi của cuộc sống thị thành tấp nập. Bố trí cây xanh hợp lý sẽ che nắng tốt mà vẫn bảo đảm chiếu sáng tự nhiên cho công trình tăng thêm cảnh quan cho phố xá thị thành.
Theo nhiều công trình nghiên cứu về cây xanh cho thấy một cây xanh khỏe mạnh có thể hấp thụ khoảng 2,5kg CO2/năm; một cây trưởng thành có thể hấp thụ từ 3.000 đến 7.000 hạt bụi/m3 không khí. Một cây trưởng thành có thể cung cấp lượng O2 cần thiết cho 4 người. Theo nghiên cứu của các chuyên gia cây xanh, sự hiện diện của một cây xanh ở gần nhà giảm 30% lượng không khí ô nhiễm.
Thừa Thiên Huế đang trong quá trình mở rộng đô thị. Hai đầu thành phố Huế là 2 thị xã mới hình thành đang trong tiến trình đô thị hóa. Ngổn ngang công trình nhưng đang thiếu cây xanh. Cây xanh đô thị là công việc chuyên ngành, chuyên sâu. Huế kế thừa một kiến trúc không gian cây xanh của ông cha để lại. Trung tâm công viên cây xanh với nhiều cán bộ, kỹ sư chuyên ngành đã biết phát huy vốn cũ để phát triển mới phù hợp, hài hòa với thiên nhiên. Ở các thị trấn, thị tứ mới hình thành cũng cần đầu tư công sức, con người cho công việc quy hoạch không gian xanh cho phố thị. Tổ chức tuyên truyền về vai trò, tác dụng của cây xanh đô thị với đời sống, văn hóa của dân cư. Cần thiết lập các nhóm công tác bảo quản và giữ gìn cây xanh đô thị ở những thị xã, thị tứ mới được nâng cấp, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cây xanh. Mọi người cần đề cao trách nhiệm giữ gìn và bảo quản cây xanh, có như vậy đô thị, thị trấn, thị tứ mới trở nên xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, với cuộc sống, sinh hoạt của con người. Đô thị hóa đang làm cho không gian sống trở nên ô nhiễm, cho nên quy hoạch vùng cây xanh là việc làm cần thiết. Đây là công việc khoa học, phải được tính đến khi quy hoạch, xây dựng đô thị.
Chiến Hữu