ClockThứ Sáu, 10/05/2013 05:32

Đôi bờ lễ hội

TTH - Bên tê Thương Bạc là khung cảnh tấp nập của hội chợ làng nghề, như kéo dài thêm cái không gian phố chợ từ Đông Ba, qua siêu thị Coop mart và không khí rộn ràng kẻ bán người mua nơi con phố làm ăn Trần Hưng Đạo. Còn bên ni, cạnh đường phố Lê Lợi, nổi tiếng xưa nay với cây xanh, màu áo trắng học trò, những công sở sang trọng… là phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu rộn ràng những hội vui. Đó là một đối xứng đẹp, khó diễn tả hết thành lời, tạo nên dáng vẻ lạ kỳ, đầy mê hoặc của đôi bờ Hương Giang.

Buổi tối lang thang cùng Festival làng nghề, tôi lại như bất chợt có khám phá lạ về một không gian lễ hội mới. Nó nằm giữa đôi cầu Trường Tiền và Phú Xuân, có thêm vài điểm xuyết ở phía xuôi về Đập Đá và ngược lên cầu Bạch Hổ - Dã Viên. Sự xuất hiện của Trung tâm văn hóa làng nghề Phương Nam là một nét nhấn. Rồi, Trung tâm Phật giáo Liễu Quán được làm mới, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm không gian Lê Bá Đãng và Trung tâm Fesival Huế ra đời, Trung tâm Dịch vụ du lịch hồi sinh, đã cùng với Công viên Tứ Tượng và con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vốn im lìm và vắng lặng bỗng như bừng tỉnh dậy trong những ngày hội nghề truyền thống Huế.

So với nhiều Công viên khác ở Huế, Công viên Tứ Tượng không rộng lớn và bề thế bằng. Có lúc, tưởng nó bị khuất lấp bởi những công trình đứng cạnh, nhưng rồi chính sự liên thông với con đường Nguyễn Đình Chiểu ở phía sau và sự thông thoáng của những khu nhà láng giềng đã tạo cho Tứ Tượng một sức hút, vẻ đẹp riêng và với Festival nghề truyền thống 2013, nó đã trở thành trung tâm của những hoạt động phô bày, quảng diễn của các làng nghề. Là một hình ảnh khó phai mờ về Công viên Tứ Tượng trong buổi chiều diễn ra lễ tế tổ bách nghề trong Festival nghề truyền thống Huế với một không gian khoáng đãng trữ tình, có bóng dáng thấp thoáng của dòng Hương ở phía xa xa. Thì ra, cái đẹp ẩn mình, đôi khi khép kín, đã khiến ta phải ngỡ ngàng khi phát lộ và được tôn vinh bởi sự hài hòa của cảnh vật xung quanh.

Bên cạnh một Festival Huế hoành tráng, du khách ngược xuôi đêm ngày với bao nhiều tour tuyến và lễ hội hấp dẫn mời gọi từ Đại Nội hay từ An Định cung, tận Phong Điền, Lăng Cô hay đi xa về Thủy Thanh, Thuận An… Festival làng nghề truyền thống Huế tạo nên một cảm giác ít có xê dịch hơn nhưng không kém phần lắng đọng bởi những trải nghiệm mang tới. Cái không gian lễ hội giới hạn, có thể ước định được bằng tầm nhìn của mắt, nhưng không hề đơn điệu. Nó được tạo bởi sự góp mặt của nhiều công trình riêng lẻ nhưng bổ sung hài hòa cho nhau. Ở đó, có sự hòa quyện giữa cái sẵn có của đất trời là con sông Hương huyền thoại với cái tinh tế, sáng tạo của con người tạo nên từ những con đường, khuôn viên, mái nhà đến cả những mảng xanh để lại. Còn nữa, sau bao sàng lọc, người đời đã biết trả lại những giá trị văn hóa vốn có của những công trình xây dựng. Cái của ngày hôm nay không chồng lấn lên cái ngày xưa vốn có.

Vậy là, đã có một không gian lễ hội dành cho Huế nằm ở đôi bờ sông Hương. Ở đó, cái đẹp có được từ sự chắt lọc, kế thừa và biết bảo tồn, phát huy những gì vốn có, để rồi mãi đọng lại trong tôi, trong em và cả trong bao người là những ấn tượng không dễ phai nhòa.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top