ClockThứ Năm, 07/11/2013 08:22

Dòng đục, dòng trong

TTH - Cái buổi sáng chớm đông mới đây có ánh nắng vàng, ngồi ngắm ngã ba Tuần từ phía bến đò Ba Bến ở làng La Khê Bãi nay chỉ còn là hoài niệm tôi như bất chợt có một phát hiện lạ lùng về dòng Hương Giang. Nước từ hai nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch vẫn như xưa lờ lững xuôi về hội tụ nơi ngã ba Tuần này trước khi nhập thành dòng Hương xuôi qua bao lâu đài, thành quách, phố thị và các làng quê để về với biển cả. Khác lạ đến bất thường trong buổi sáng nay là khi bên phía Tả Trạch vẫn là làn nước trong xanh thì bên kia phía Hữu Trạch chỉ còn dòng sông đục ngầu. Hai dòng trong - đục gặp nhau nơi ngã ba Tuần to rộng, để rồi diễn ra trước khách lạ là tôi đây một cảnh tượng kỳ lạ với sự pha trộn nhức mắt. Nó là một thứ cà phê sữa trong giây phút giao trộn và dòng nước đục như một gã đàn ông thô tục, dữ dằn đang hành hạ, dày vò người con gái đẹp. Bắt đầu từ đây nhìn về phía xuôi, như sự buông xuôi và cũng như đã hết rồi trong xanh, sông Hương chỉ còn là hình ảnh của một dòng sông đục.

Cũng đã bao lần, tôi ngồi thật lâu nơi ngã ba Tuần để ngắm nhìn dòng Hương. Từ bên này ở làng Hải Cát, hay bên kia là Trẹm, cũng như tôi đang ngồi sáng nay ở phía La Khê Bãi, ở phía nhìn nào cũng cảm nhận được sự huyền bí, mênh mang và đẹp đến ngỡ ngàng của dòng Hương, nơi có sự hợp dòng đầu tiên. Còn có một nơi nữa, đó là ra đứng giữa cầu Tuần mới được xây dựng, từ đó ngược lên hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch hay nhìn về dòng Hương để có được sự cảm nhận về vẻ đẹp tương phản kỳ bí của tự nhiên nơi ngã ba sông này. Có thể nhiều người vẫn còn chưa biết, để đến với điểm hẹn ngã ba Tuần, hay còn gọi là ngã ba Bằng Lãng, dòng Tả Trạch bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đã có hành trình 67 cây số, vượt qua 5 thác nước hùng vĩ. Ở phía bên kia, dòng Hữu Trạch anh em cũng đã để lại phía sau cung đường trên 60 cây số và 14 ngọn thác dữ vượt qua.

Còn nữa, trải qua bao thế hệ, con người cũng đã góp tay để cùng với sự ban tặng của đất trời, tạo nên huyền thoại sông Hương. Khi lần đầu tiên định đô ở một vùng đất dọc theo dòng sông Hương vào đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn Phúc Lan đã cho người thị sát và vùng ngã ba Tuần này với vị thế và cảnh quan tuyệt vời đã giúp cho vị minh chúa niềm tin khi quyết định chọn Kim Long, cách đó không xa làm thủ phủ xứ Đàng Trong, khởi đầu cho quá trình đô thị hoá trong lịch sử hình thành và phát triển đi từ Kim Long, Phú Xuân đến Huế. Trong bộ sử nổi tiếng “Phủ biên tạp lục”, cụ Lê Quý Đôn cho biết, vào thời chúa Nguyễn, một sở Tuần đã được thiết lập tại ngã ba Bằng Lãng. Còn “Quốc sử quán triều Nguyễn” sau này thì cho hay, vị vua đầu triều nhà Nguyễn là Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã cho đặt Tuần Hộ sở tại đây. Một lực lượng quân đội đồn trú ở ngã ba thượng nguồn sông Hương này để làm nhiệm vụ bảo vệ phía tây kinh thành Huế.

Nhắc để hiểu thêm, xưa con người đã biết cách tôn vinh và làm sang trọng dòng Hương. Còn nay, không khỏi băn khoăn khi nghĩ đến những tác động của sự khai thác nơi thượng nguồn Hữu Trạch và rồi đây sẽ còn dữ dằn nữa ở cả bên phía Tả Trạch đã như phá hỏng Hương Giang mà dòng nước đục ngầu kia là minh chứng. Lại nhớ đến những câu thơ trong vắt:“Một thước nước in trời/ Đò ai chiếc lá khơi/ Non cao xem vòi vọi/ Dòng biếc thấy vơi vơi...”. Tương truyền, 200 năm trước khi ngự thuyền qua ngã ba Tuần, ông vua có tài kinh bang tế thế là Minh Mệnh trong phút giây rung động trước cảnh cảnh trí non, nước, mây trời tuyệt đẹp đã cảm tác. Lại chạnh nghĩ, nơi phía La Khê Bãi nhìn ra, vẫn thấy còn đó non cao và những con đò, nhưng với cảnh tượng “dòng đục, dòng trong” kia thì còn đâu nữa “một thước nước in trời” cho bậc quân vương mơ màng.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top