Thế nhưng, cũng đã có một thời, truyền thống mặc đồng phục đến trường kia bị xao nhãng. Học trò tới lớp có chi mặc nấy. Học trò tiểu học còn mặc cả quần xà lỏn đi học. Một quan niệm phổ biến, đồng phục chỉ là chuyện hình thức, không đáng xem trọng. Thế nhưng căn bản vẫn là khó khăn quá. Cơm chưa đủ no, áo không đủ mặc, đào đâu ra tiền mà may đồng phục. Tôi nhớ năm chị tôi lên lớp 8, mẹ tính toán mãi, cuối cùng mới cắn răng bán đứt chỉ vàng, mua vải may cho chị chiếc quần xẹc Lào để bận đi học. Mỗi lần chị ra đường đi học, cả xóm nhìn theo.
Thời khó khăn ấy rồi cũng trôi qua. Bộ đồng phục được trả lại cho học sinh khi đến trường. Rồi được quy định hẳn hoi, đó là ngày 30-9-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 26 về việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên. Trong đó, có nêu lên ý nghĩa của việc mặc đồng phục: “Đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hóa”.
Chuyện về mặc đồng phục đã rõ. Điều đáng nói là đằng sau những bộ đồng phục học sinh với bao điều đàm tiếu là chuyện càng ngày nó càng bị lạm dụng về kiểu cách. Không bằng lòng với chiếc quần xanh (đen) áo trắng lịch sự và sạch sẽ, các trường học bắt đầu sáng tạo, cố tạo nét riêng cho bộ đồng phục trường mình. Theo đó, dưới con mắt của nhiều người, đồng phục không chỉ đẹp mà còn phải “đặt biệt”. Chỉ nhìn vào chiếc áo thôi cũng loạn xạ, với nhiều loại màu sắc khác nhau, nơi xanh đậm, nơi xanh nhạt, nơi trắng. Rồi đến những đường viền cũng màu mè đủ thứ ở cổ áo, tà áo, tay áo với màu đỏ, màu xanh, màu vàng…
Tạo mẫu quần áo cho một người mặc đã khó. Tạo một mẫu quần áo chung cho hàng ngàn học sinh cùng mặc lại càng khó khăn hơn. Nó là công việc của những nhà thiết kế; cần có tính đồng bộ và sự dung hòa để trò gầy và trò mập, kẻ đen hay người trắng, ai mặc cũng “ngó được con mắt”, không bị “phô” hay kịch cỡm là tốt rồi. Qua thử thách của thời gian, có thể xem bộ quần xanh đen và áo trắng là bộ đồng phục phù hợp nhất của học sinh phổ thông nước ta. Nó trang nhã, lịch sự, thân thiện và gần gũi. Học sinh mặc vào trông sạch sẽ, sáng sủa hẳn ra.
Vậy thì chớ nên đua nhau sáng tạo thêm nhiều kiểu đồng phục dành cho trường, cho nhóm làm chi nữa làm rối mắt. Có thể có những cá biệt. Thế nhưng, đó phải là sự nghiên cứu kỹ càng để nhận được sự chấp thuận của cộng đồng và trở thành biểu tượng của ngôi trường, kiểu như nữ sinh Đồng Khánh Huế với một thời đồng phục quần trắng áo dài tím đã sống mãi với thời gian và lòng người qua bao thế hệ.