ClockThứ Năm, 27/09/2012 05:41

Đường của ông hoàng, bà chúa

TTH - Không phải ngẫu nhiên mà Tùng Thiện vương Miên Thẩm (1819-1870), con trai thứ mười của Hoàng đế Minh Mạng đã chọn một địa điểm nằm trên đường Phan Đình Phùng ngày nay để dựng phủ với cái tên gọi đầy ngọt ngào “Phương Thôn thảo đường”. Ông Hoàng này cùng với bào đệ Tuy Lý Vương là hai nhà thơ nổi tiếng của triều Nguyễn. Đến nỗi, vua Tự Đức vốn kiêu ngạo cũng phải khâm phục và có thơ khen hai ông chú đã thành ca dao:“Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường”. Tạm hiểu, làm thơ được như của Tùng Thiện, Tuy Lý thì thơ của thời Đường cũng không còn đáng kể.

Ngay sau khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã khởi sự đào sông An Cựu và cùng thời với con sông đào nổi tiếng bởi nguồn lợi và vẻ đẹp lạ lùng đó là sự hình thành nên con đường Phan Chu Trinh ở phía bên kia và bên này là Phan Đình Phùng. Cho dù mãi tận hàng chục năm sau nhưng người Pháp đã rất có lý khi gọi đó là đường bờ sông De la Suisse (Thụy Sĩ). Con đường quanh co, chạy dọc theo dòng sông trong xanh và uốn lượn, tô điểm bởi những hàng cây soi bóng và những chiếc cầu nhỏ bắc qua như những điểm xuyết đẹp, được hình thành bởi những ý tưởng tuyệt vời của chính những nhà thiết kế quy hoạch thời bấy giờ, làm nao lòng bao tâm hồn, ngập tràn bao xúc cảm, đặc biệt là những bậc thi nhân nổi tiếng như Tùng Thiện Vương.

Phủ Tùng Thiện Vương trên đường Phan Đình Phùng. Ảnh: Minh Phương

Cùng với “Phương Thôn thảo đường” là hàng loạt những dinh thự của các ông hoàng bà chúa, quan lại, hoàng thân quốc thích khiến cho ai đó đã phải thốt lên, đường Phan Đình Phùng là “con đường phủ đệ”. Từ phía trên này, nơi giao lộ giữa đường Phan Đình Phùng và Điện Biên Phủ, bắt đầu là Lạc Tịnh Viên, phủ do Đông Các Đại học sỹ Hồng Khẩn, con trai của Tùng Thiện vương xây năm 1889. Tiếp theo phủ Tùng Thiện vương là biệt thự của Từ Cung Đoan Huy hoàng thái hậu. Rồi đến phủ và tẩm thờ Ngọc Lâm công chúa, trưởng nữ của vua Đồng Khánh; biệt thự riêng của Hoàng Tùng đệ Vĩnh Cẩn, em họ thân tín của Cựu hoàng Bảo Đại.

Thêm một địa chỉ gợi nhớ đến thời kỳ mất nước vào cuối thế kỷ 19 là phủ Kiên Thái vương Hồng Cai, con trai thứ hai mươi sáu của vua Thiệu Trị, là thân phụ của ba vị hoàng đế lần lượt là Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Lưu truyền hàng trăm năm nay là câu vè “Một nhà sinh đặng ba con. Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài”. Và “hàng xóm” của phủ Kiên Thái vương là cung An Định nổi tiếng, do Hoàng đế Khải Định xây dựng từ thời còn là Hoàng tử Phụng hoá Bửu Đảo. Kế cận là nhà thờ thân mẫu vua Khải Định, phủ của An Hoá công Bửu Tửng, con vua Đồng Khánh và phủ của Bái Ân công chúa Nguyễn Phúc Lương Trinh, con vua Minh Mạng.

Đã hàng chục năm nay, hằng ngày tôi vẫn thường qua về trên con đường bờ sông Phan Đình Phùng. Mùa hè mát rượi và ngày đông coi chừng ngập nước lúc mưa lớn. Những ấn tượng đặc biệt về cổng phủ rêu phong với cửa đóng then cài và thấp thoáng bên trong là dinh thự nhà vườn Huế đặc trưng. Quy mô của những phủ đệ thậm chí còn nhỏ hơn cả những ngôi nhà rường của những người bình dân nhưng hấp dẫn, gợi bao tò mò bởi cuộc sống sinh hoạt và những con người cùng danh phận của một thời đã qua. Có lẽ cũng như tôi, có dịp ngang qua gợi lên từ trong sâu thẳm của bao người sẽ là những tò mò và khát khao khám phá về một thế giới xưa cũ nhưng lại là niềm tự hào một thời của Huế. Và tự dưng, tôi mơ về một tour du lịch thăm lại vương phủ xưa ở Huế mà một trong những điểm nhấn là đây, những dinh thự nằm bên dòng sông An Cựu “nắng đục mưa trong” để hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về sinh hoạt và phong cách sống của những “mệ” Huế, từng làm tốn bao giấy mực của người đời xưa nay.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top