Cây tre gần gũi kia thế mà chất chứa bên trong bao điều lạ. Nhớ lần đầu tiên vác rựa đi đốn tre trong vườn, tôi nghe ngoại càm ràm “Mấy bụi tre bữa ni nhiều tre đực quá”. Tôi trợn tròn đứng ngay người thắc mắc cái chuyện “đực cái của tre”. Ngoại cười: “Thì ngó đó cũng biết. Như con người rứa, cây mô tre đực thì cao to, nhưng lại nhiều mắt và ruột đặc chỉ làm được vài thứ thôi. Còn tre cái thì có lóng dài, ruột rỗng có thể dùng để đan cái rỗ, cái rá và nhất là đã là tre cái thì bụi tre nhảy được nhiều măng”. Dông dài thêm dăm ba câu nữa cuối cùng tôi cũng hiểu. Không phải vô cớ mà người Huế mình trồng nhiều tre. Từ đôi đũa, cái thúng, cái mủng là những đồ dùng sinh hoạt, rồi mấy đọt măng vòi, mấy gộc măng to là những thức ăn ngon cho đến cột kèo trong nhà…một thời lắm thứ đều phải cậy vào tre.
Trồng tre cũng là để phòng chống bão dữ. Rồi nữa là chuyện tế nhị ở nơi chốn làng quê. Thì ra không phải đơn giản đâu chuyện trồng tre để làm hàng rào. Chỉ cần một gốc tre khiêm tốn lúc ban đầu, qua một thời gian ngắn, tre sẽ phát triển thành bụi, và nếu không khống chế, bụi tre sẽ bành trướng không ngừng và không giới hạn. Hèn chi, mỗi lần đi thăm vườn, quan sát tôi để ý thấy mỗi khi bắt gặp một mụt măng nằm ở phía bên kia hàng rào là ngoại tôi nhẹ nhàng tìm cách đậy lại. Hỏi mãi răng rứa, ngoại mới chịu giải thích “là để nhà hàng xóm không biết. Nếu không dòm thấy là họ ăn cắp”. Ăn cắp thì người có kẻ không, còn sâu xa thì sau này tôi hiểu, là cách ngoại tôi giữ đất và hơn thế là chuyện… tế nhị.
Hôm rồi lên Phú Sơn, tôi có dịp ghé thăm thôn Tre Giáo. Xã kinh tế mới vùng gò đồi của thị xã Hương Thủy có 4 thôn, trong đó có thôn Tre Giáo, với người dân vốn có nguồn gốc từ làng Phù Bài (xã Thủy Phù). Vùng đất này nổi tiếng có nhiều khe suối. Tương truyền, đây là nơi lập nghiệp có từ hàng trăm năm trước của người dân làng Phù Bài và một số nơi khác của những người dân “trốn Tây”. Khi lên khai phá vùng đất này, họ đã mang theo loại cây đặc biệt là tre giáo để trồng ven theo các con khe. Gặp đất tốt, phù hợp với điều kiện sinh trưởng, loại tre giáo đã phát triển nhanh chóng và đã trở thành loại cây phổ biến nơi đây. Cái tên gọi đầy hoài niệm thôn Tre Giáo bắt đầu từ đó.
Nhân chuyện cây tre giáo lại nghĩ về các chi nhánh của họ hàng nhà tre ở xứ Huế mình. Nó phong phú đến bất ngờ. Bên cạnh các giống tre trong vườn của ngoại tôi, tạm gọi là tre thường, và cây tre giáo, còn có rất nhiều loại tre như: tre đằng ngà, tre vang, tre lồ ô, tre giang, nứa, hóp… Mỗi thứ đều có công dụng riêng. Ví như tre đằng ngà dùng để làm cột nhà, cọc cầu, làm cừ ngăn đập. Tre giang là thứ mà ai cũng rành, dùng để vót lạt buộc. Hay cái thứ tre giáo đặc ruột dùng làm cán dao, cán cuốc, cán giáo… Còn một thứ nữa mà tôi nghĩ là đặc sản của Huế là loại tre mọc ở vùng Hòa Mỹ (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) có măng là nguyên liệu làm nên loại tương măng nổi tiếng.
Xưa cứ vào tầm tháng tư, tháng năm âm lịch, khi vào mùa thu hoạch ớt cũng là lúc người dân Phong Mỹ bắt tay vào ủ tương măng. Nguyên liệu gồm có 3 thứ: măng tre, ớt chín và muối hạt. Không bàn muối ớt, chỉ nói tới chuyện măng. Người sành ăn bảo với tôi, rằng phải chọn loại măng vòi tự nhiên, mọc ở những vùng nước đầu nguồn để có vị ngọt và ít vị hăng. Còn nữa, phải biết chọn những khúc măng có độ già vừa phải bởi nếu già quá sẽ làm tương hăng và cứng, còn non dễ bị thối. Riêng cái khoản măng vòi thì tôi rành. Dạo ở làng, thỉnh thoảng hay trèo lên mấy bụi tre hàng xóm bẻ măng vòi cho mạ kho cá. Đó là loại măng nhánh, măng đọt khác với gốc măng to nằm ở dưới đất. Bẻ măng vòi chủ tre chỉ cười nhưng rớ vào mụt măng dưới đất thì trở thành thằng ăn trộm. Tôi đã nhiều lần ăn tương măng Phong Mỹ, nhất là vào mùa đông giá lạnh, đây là thực phẩm số một để sưởi ấm cơ thể và tạo ra cảm giác ngon miệng.
Không biết tự bao giờ người đời như rạch ròi, tre là biểu tượng của xứ Bắc cũng như cây dừa là của miền Nam. Thì đây xứ Huế miền Trung, nơi được xem là vùng đất giao thoa của đất nước, có bóng tre xanh bên cạnh rặng dừa thấp thoáng. Và hình như nắng nóng và mưa nhiều, lại thêm giông bão triền miên nên cây tre xứ Huế xem ra cũng dẻo dai, mặn mà hơn. Không tin, cứ một lần thử xem hương vị tương măng Phong Mỹ để có sự cảm nhận đầy đủ.