Tôi nhớ hồi nhỏ, chị gái tôi học hành không đến nơi đến chốn. Lo lắng cho tương lai, mẹ tôi quyết định cho chị tập đi buôn đồ vặt. Làng tôi ở ven đô, hằng ngày các o, các mệ thường tranh thủ “chạy chợ”, gồng gánh lên Huế bán đủ các thứ từ trái bí, trái bầu đến cái chổi đót, chổi rành... Mẹ tôi dặn đúng một câu: “Ngó đó mà bán buôn. Giá cả là ở nơi lỗ miệng”. Đại ý lời dặn của mẹ tôi là phải năng động tùy chất lượng hàng hóa, tùy bối cảnh, tùy khách hàng mà bán miễn sao cân đối có lời một cách hợp lý là được. Ban ngày chị bán hàng. Đêm về mẹ con bàn tán. Chuyện buôn bán không kéo dài bởi lẽ chị vốn thiệt thà, không “nói thách” được, bán buôn thì lời ít mà ngày lỗ lại nhiều, đồng vốn mòn dần nên chỉ một thời gian là phải chuyển nghề.
Thực tế, chính vì kiểu “giá nơi lỗ miệng”, mà nảy sinh tệ nạn “nói thách” tràn lan. Tô bún buổi sáng lên xuống tùy theo quầy hàng, chỗ quan hệ thân sơ. Còn vào chợ, đàn ông con trai như tôi không dám mặc cả. Bởi lẽ, có khi giá cả được hô lên gấp đôi gấp ba, không mặc cả hay giá trả ít thì thiệt mình mà sợ phải mua hớ, trả nhiều quá coi chừng bị mắng, nhất là vào thời điểm buổi sáng với cái cớ làm “mất mì xưa”, đem “phong long” đến cho quầy hàng. Cũng thật quái lạ, có quầy hàng đã đến giờ quá trưa mà đụng đến cũng cứ một hai “mở hàng mì xưa” khiến khách hàng không dám mặc cả. Tình hình khó khăn, các ban ngành chức năng thực hiện niêm yết giá kiểu như trong các siêu thị. Vậy nhưng, cũng xảy ra tình trạng không ít nơi niêm yết một đằng, lại bán một nẻo.
Tục ngữ Việt có câu “Bán hàng nói thách, làm khách trả rẻ”. Xem chừng chuyện “nói thách” khi mà “đi chợ thì phải mặc cả” đã trở thành tâm lý, thói quen trong làm ăn kinh doanh của thương nhân Việt nói chung và Huế mình nói riêng, để rồi biến tướng, trở thành “công nghệ hét giá” thời kinh tế thị trường hiện nay. Bỏ qua yếu tố hám lợi bất minh, ở đây còn có tình trạng giá cả nói thật rất khó bán bởi khách hàng không tin. Họ vẫn quen nói hai trả một, nên không trả giá không yên tâm, không bớt thì bỏ đi, mất cơ hội bán hàng. Chuyện thật mà nghe cứ như đùa, tạo ra những khoảng cách không đáng có giữa người và kẻ bán, niềm tin không được tạo dựng mà thay vào đó là sự giả dối đau lòng.
Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa. Còn giá bán, nói một cách dễ hiểu, bao gồm giá thành, chi phí bán hàng, thuế, lợi nhuận hợp lý cấu thành...; trong đó giá thành được xem là chi phí đầu tư để sản xuất nên sản phẩm hàng hóa. Đã đến lúc, giá cả không phải ở “nơi lỗ miệng”, mà phải xuất phát từ những tiêu chí kể trên. Đó mới là mục tiêu hướng đến, là cách gầy dựng uy tín, bảo vệ tốt nhất thương hiệu hàng hóa cho cả một vùng đất trong hội nhập và phát triển.
Đình Nam