Thông tin tốt từ cuộc điều tra này là hơn 70% khách quốc tế sẵn sàng quay trở lại Việt Nam, dựa trên sự hài lòng khi khám phá cảnh quan thiên nhiên và sự thân thiện của người dân. Kết quả điều tra cũng đưa ra con số 102,3 USD là mức chi tiêu trong ngày đối với khách quốc tế và 1,3 triệu đồng/ngày (tương đương 62 USD) đối với khách nội địa khi lưu trú qua đêm. Dù được xem là một trong những yếu tố mang tính chi phối, song những thông tin mang tính tác động lại dường như đang có vẻ lấn lướt. Đó là tình trạng cơ sở lưu trú ở nhiều địa phương quá dày, dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư khi nguồn khách lấp đầy chỉ vào khoảng trên dưới 50%. Bên cạnh việc xả thẳng nước thải ra biển là việc được yêu cầu xem lại ở thành phố đáng sống, cả Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế đang cùng có những điểm yếu chung như chưa có những điểm mua sắm tốt, thiếu các điểm vui chơi giải trí về đêm; chưa khai thác tốt các tiềm năng du lịch sông, biển và đầm phá; nhân lực du lịch có trình độ cũng chưa nhiều...
Trong một góc nhìn riêng, sự thiếu cân đối trong đầu tư cho hạ tầng và các gói sản phẩm du lịch mới cũng như các mặt hàng lưu niệm đã dẫn đến một hệ quả là, số ngày khách lưu trú ở Huế cũng như mức chi phí trung bình của khách lưu trú quốc tế và nội địa đang đứng ở mức thấp nhất, dù Huế được đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất. Theo kết quả điều tra từ dự án EU, hiện ngày khách lưu trú tại địa phương khoảng từ 2,2 đến 2,3 ngày (Đà Nẵng 3,7 – 4 ngày; Hội An 4,2 ngày đối với khách quốc tế và 1,7 ngày đối với khách nội địa). 75,6 USD/ngày cũng là chi phí trung bình của du khách tại Huế, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung. Có một điểm cần lưu ý ở đây là khách du lịch quốc tế dành phần lớn nhất trong tổng số chi phí cho chỗ ở, sau đó là các dịch vụ ăn uống...
Trong một đối sánh khác, nếu so sánh lượt khách đến và lượt khách không lưu trú (nghĩa là hệ thống khách sạn không thu được chi phí) tại Huế thì trong năm 2013, con số này ở mức theo thứ tự là 2,599 triệu lượt và 1,771 triệu lượt. Nghĩa là có đến 828 ngàn lượt khách đến Huế nằm ngoài tầm phục vụ và chăm sóc của hệ thống khách sạn vốn đang còn rất rỗi rãi. Tương tự, 6 tháng đầu năm 2014, số lượt khách đến Huế là 1,6 triệu lượt nhưng số lượt khách lưu trú được xác định là 975,1 ngàn lượt. Nghĩa là có 624,9 ngàn lượt khách không dành phần lớn nhất trong chi tiêu hàng ngày khi du lịch tại Huế vào hệ thống khách sạn.
Phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 (khóa XIV) ngày 4-7 vừa qua, đồng chí Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh rằng, đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ và chúng ta phải tính chuyện kích cầu hiệu quả hơn. Cùng với các giải pháp được đặt ra, những điều cần phải làm ngay là phải hạn chế những tác động không lành mạnh, đang làm xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch nói chung. Một việc làm thiết yếu khác nữa là cần có sự đầu tư, nghiên cứu để Huế có thêm những sản phẩm lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Huế mà vai trò chủ yếu thuốc về ngành Du lịch với sự mời gọi để tập hợp các ý tưởng, thiết kế... Có như thế mới có thể thay đổi được việc chúng ta lọt vào top 5 điểm hấp dẫn nhất nhưng lại đứng ở mức thấp nhất trong chi phí trung bình đối với khách du lịch.