ClockThứ Năm, 17/01/2013 11:22

Hương dầu của mạ

TTH - Bất chợt gặp lại mùi hương dầu tràm quen thuộc một thời trong buổi đông lạnh ngắt về ngồi với mạ ở quê. Cái mùi dầu nằng nặng, tỏa xa, đụng vào người là dính riết. Xưa mạ thích, còn bọn trẻ là tôi sợ lắm, không dám đụng vào. Ngộ nhỡ có mùi là lũ bạn trong xóm xúm lại chọc dai “đồ hôi mùi đàn bà đẻ”. Nghe cứ tức điên. Mà mạ lại vốn lo xa, thấy con kêu vang đau bụng hay nhức đầu, xổ mũi tí ti là đè ngay xuống xoa khắp mình mẩy bằng độc nhất thứ dầu tràm kia. Đã có mùi dầu tràm thì thôi chẳng dám thò đầu khỏi nhà.

Hàng chục năm rồi xa mạ, xa quê mà tôi vẫn không quên chai dầu tràm của mạ. Thùng gạo, bể cạn nước, chai mắm, thẩu ruốc… có khi đầy và cũng có lúc vơi nhưng chai dầu tràm thì không. Nó luôn đầy, luôn được để vào nơi dễ nhìn nhất. Để rồi, cùng với mấy hột ném cất kỹ hay chai rượu gừng nơi góc giường, chai dầu tràm và còn thêm vài thứ nữa, hợp thành cái tủ thuốc gia đình của mạ. Anh em tôi chạy rông trật cẳng, trật chân hay mạ suốt ngày dầm mưa nơi ruộng cấy, tối về ngủ đau nhức đã có thứ rượu gừng xoa vào nóng phừng. Cả ngày la cà, dang nắng dang mưa, tối về nóng hầm khiến mạ suốt đêm không ngủ được thì y chang được xức dầu tràm cùng với chà xát lên đầu lên lưng mấy hột ném giã nhỏ. Sợ lắm, toàn là những mùi vị nồng nàn. 

Cái làng Dạ Lê Thượng ven Huế của tôi vốn nổi tiếng bách nghệ với “than, củi, chổi, lá vằn” xưa kia cũng có nghề nấu dầu tràm. Không nhiều, chỉ lẻ tẻ dăm ba nhà ở nơi vùng gò đồi, chứ không thành xóm, thành làng như ở Lộc Thủy, Lộc Tiến (Phú Lộc) mà bất kỳ ai, trong nam hay ngoài bắc, có dịp đi qua đều không thể ngó lơ được. Dầu tràm được bày bán đầy đường, rất ấn tượng, chẳng kém chi kẹo Cu Đơ ở Hà Tĩnh hay các loại mạch nha, đường phổi phía trong Quảng Ngãi. Những chai dầu tràm vàng óng, trong vắt kia, mỗi lần ngang qua tôi để ý dòm, ui chao cũng còn lắm kẻ mua.

Thì ra cả hàng trăm năm rồi, bao người dân Lộc Thủy, Lộc Tiến cơm no ngày ba bữa, rồi tậu cửa nên nhà cũng nhờ vào cái nghề nấu dầu tràm kia. Nghe kể, ở vùng này chỉ mấy chục năm trước thôi nhiều lắm các loại cây tràm, cây bổi. Không đi đâu nhiều, xa nhất lên men theo chân núi Bạch Mã hay xuôi về dưới Chân Mây và có khi chỉ cần một vòng quanh quẩn nơi các trảng cát gần làng là đã có tràm, có bổi. Cũng lạ thiệt, đất coi bộ khô cằn, vậy mà như có duyên ngầm, bứt lứa này mọc lên ngay lứa khác, cây tràm cây bổi không hết được, vẫn mọc xum xuê. Để rồi, bắt đầu từ mấy thứ tràm chổi xưa bạt ngàn và ê hề kia mà nấu, mà luyện nên dầu tràm. Bảo rằng “luyện” cũng không có chi ngoa khi người ta nấu dầu tràm tựa cách của người nấu rượu. Lá tràm, lá bổi bứt về, bỏ vào nồi nước, đun lên cả buổi, cả ngày để rồi từ cả hàng tạ lá kia thu được chừng lít dầu tràm. Coi bộ đơn giản mà đâu dễ, bởi không phải ai cũng có thể nấu được mẻ dầu tràm thơm, đượm nồng, có dược tính cao. Phải là người thợ “mát tay”, nắm rõ bí quyết về cách cho nguyên liệu, mực nước khi đổ, nhiệt độ của lửa…

Có người ví sự gắn bó giữa dầu tràm với người Huế như chai dầu gió, dầu cù là với người Nam Bộ hay chai cao hổ đối với người Bắc. Không rành dầu gió hay cù là, càng không rõ chai cao hổ, nhưng dầu tràm thì tôi hiểu. Nó được làm từ những loại nguyên liệu gần gũi, được chưng cất bằng phương cách rất thô sơ, nhưng kết tụ là cả sự dụng công, dồn cả tâm huyết của người Huế mình. Và rồi, cũng như tôi, mùi dầu tràm đã gắn kết với tuổi thơ, với hoài niệm của bao người dân xứ Huế. Sao thật giống cái mùi mắm ruốc quê nhà, mùi của dầu tràm gần thì ngại mà xa lại da diết nhớ. Như tôi, ai đó ở xa bắt chợt thoáng gặp, lại vẩn vơ, ngơ ngẩn nghĩ về một hương dầu của mạ.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top