ClockThứ Năm, 09/10/2014 08:16

Kẽ hở trong vận tải hành khách

TTH - Mặc dầu các bộ ngành Trung ương, chính quyền các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ thị, nhiều đợt ra quân xử lý tình trạng xe dù bến cóc (XDBC) nhưng thực trạng đáng buồn này vẫn diễn ra; gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Ngoài những tiêu cực như đã nói, XDBC còn là điều kiện thuận lợi để những phần tử vận chuyển hàng lậu, hàng cấm ký gửi đi các nơi, bởi không phải qua an ninh tại bến.

Nhiều người nghi ngờ có sự “bảo kê” của ai đó cho sự làm ăn dối trá này. Trong lúc sự băn khoăn đang còn bỏ ngỏ, thì một quy luật mà ai cũng nhận thấy là cứ mỗi lần, lực lượng chức năng ra quân xử lý XDBC thì tình trạng này tạm thời lắng xuống rồi hoạt động nhộn nhịp trở lại.

Thông tư 18, ngày 6 tháng 8 năm 2013 của Bộ GTVT, quy định tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ... đã có hiệu lực hơn một năm nay. Thông tư quy định: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải theo tiêu chí có bến xe nơi đi, bến xe nơi đến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Điểm đón trả khách phải được báo hiệu bằng biển báo và có biển phụ “điểm đón, trả khách tuyến cố định”, được UBND tỉnh phê duyệt. Đối với vận tải hành khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch thì chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức. Văn bản hợp đồng phải có một số nội dung như: Thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe, số lượng hành khách...

Có thể khẳng định, quy định trong Thông tư 18 là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng xử lý những trường hợp vi phạm, lập lại trật tự trong hoạt động vận tải hành khách, tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh vận tải. Song, bằng nhiều chiêu trò, mánh khóe mà các nhà xe hoạt động XDBC đã qua mặt được cơ quan chức năng. Một trong chiêu trò phổ biến là liên tục thay biển hiệu. Khi đón khách ở các điểm sai quy định thì gắn biển “xe hợp đồng”; khi chạy trên đường thì gắn biển theo tuyến. Trong lúc đó, lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường, không thể xe nào cũng buộc dừng lại để kiểm tra xe chạy có đúng tuyến không. Nên chăng, các biển hiệu cấp cho nhà xe cần dán tem đăng kiểm cố định để lực lượng tuần tra dễ kiểm soát.

Vấn đề nữa là việc xử lý chưa quyết liệt, triệt để của lực lượng chức năng đã tạo điều kiện cho BCXD hoành hành. Một trong những lý do dễ nhìn thấy là lực lượng mỏng, không quán xuyến hết; các đợt ra quân chưa thường xuyên, liên tục, tạo kẽ hở cho BCXD hoạt động, tái phạm. Cần có sự vào cuộc của chính quyền, lực lượng công an các địa phương, phân công cán bộ, chiến sĩ phụ trách từng khu vực, tuyến đường cụ thể; đồng thời, phát huy mô hình tuyến phố văn minh, tuyến phố tự quản như đã nói nhằm chung tay xóa bỏ BCXD, lập lại trật tự an toàn giao thông, góp phần tạo công bằng trong vận tải hành khách.

Tiểu Ca
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top