ClockThứ Năm, 15/01/2015 15:14

Khai thác thế mạnh riêng

TTH - Ngày 9-1, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể dục- thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đối với lĩnh vực du lịch, quy hoạch đặt ra mục tiêu phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định) trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, có các sản phẩm đặc thù, tính cạnh tranh cao như du lịch di sản văn hóa- lịch sử, tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng...

Dải đất miền Trung có nhiều danh thắng, di tích lịch sử- văn hoá, bờ biển đẹp và điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển thành trung tâm du lịch lớn của cả nước là điều hoàn toàn có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, do có nhiều nét tương đồng nên việc phát triển du lịch di sản văn hóa- lịch sử, tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng đều là đích hướng tới của các địa phương. Chẳng hạn, du lịch biển tỉnh nào cũng có, chủ yếu là nghỉ dưỡng, tắm biển nên du lịch biển trong vùng chưa có được một dấu ấn rõ rệt, đặc trưng.

Trong khi đó, nhiều địa phương ở các vùng xây dựng thành công các sản phẩm đặc trưng, như: Bình Thuận nghỉ dưỡng biển dài ngày gắn với hoạt động thể thao biển mang tầm cỡ quốc tế; Quảng Ninh gắn du lịch biển tham quan danh thắng trên vịnh Hạ Long; Nha Trang với các dịch vụ lặn biển...

Với du lịch di sản văn hoá, hiện các địa phương chủ yếu khai thác ở góc độ thu hút khách tham quan. Chẳng hạn, đến Huế tham quan Đại Nội, các lăng tẩm, chùa chiền; vào Đà Nẵng tham quan Ngũ Hành Sơn; đến Quảng Nam thăm phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... Trong khi đó, cái du khách cần không chỉ là tham quan thưởng ngoạn mà muốn có những trải nghiệm, khám phá. Nếu du lịch di sản mà chỉ dừng lại ở tham quan, chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”, giữ chân du khách không được lâu và chẳng mấy người muốn trở lại.

Xét ở góc độ liên kết vùng, nếu các địa phương tiếp tục đầu tư các sản phẩm du lịch như hiện nay không chỉ lãng phí nguồn lực, khó trong việc liên kết hỗ trợ nhau phát triển, mà còn dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, làm du khách nản lòng. Vì vậy, việc đầu tư các sản phẩm du lịch có chiều sâu, mang tính đặc trưng của từng địa phương là một yêu cầu thiết yếu trong quá trình phát triển, tạo sự liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau phát triển giữa các địa phương.

Thừa Thiên Huế có nhiều di sản, danh thắng, di tích lịch sử, văn hoá, bờ biển đẹp và nằm trong tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây, thuận lợi giao thông cả đường bộ, đường không lẫn đường thuỷ... nên phát triển dịch vụ, du lịch có nhiều thế mạnh. Cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch, dịch vụ, hiện chiếm đến 56% GDP của tỉnh. Năm 2014, du lịch Thừa Thiên Huế đón 2,906 triệu lượt khách, tăng 11,8% so với năm 2013; trong đó khách quốc tế 1 triệu lượt. Trong nỗ lực xây dựng thương hiệu du lịch Huế, việc tổ chức thành công các kỳ Festival Huế vào năm chẵn và Festival nghề truyền thống vào các năm lẻ là điều đáng ghi nhận. Riêng Festival Huế 2014 với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm, hội thảo, hội thi, các chương trình lễ hội, nghệ thuật đặc sắc và nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng tạo chuỗi sự kiện hấp dẫn như: Lễ hội Sóng nước Tam Giang tại huyện Quảng Điền, Festival Thuận An biển gọi; Lễ hội Lăng Cô Vịnh đẹp thế giới...thu hút gần 2,4 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Nhưng điểm yếu của du lịch Huế là thời gian lưu trú của khách còn thấp, mới chỉ đạt bình quân 2 ngày. Để giữ chân du khách, không có cách nào khác là xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, phong phú và đa dạng mang đặc trưng của riêng Huế.

Tuy nhiên, để xây dựng các sản phẩm đặc trưng phù hợp với thế mạnh của tỉnh, hiện có nhiều vấn đề đặt ra. Chẳng hạn, với du lịch biển, Thuận An vẫn chỉ là bãi tắm bình dân; Lăng Cô được vinh danh vịnh đẹp thế giới, nhưng sản phẩm du lịch biển đặc trưng là gì vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Trong du lịch di sản, Huế có rất nhiều tiềm năng, ít có nơi theo kịp. Chưa kể quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, mộc bản Triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại, chỉ riêng việc khai thác các hoạt động đời sống cung đình để phát triển du lịch đã là nguồn tài nguyên vô cùng phong phú và dồi dào. Chẳng hạn, các trò chơi cung đình, bắt mạch bốc thuốc, may y phục, ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ cung đình... nếu được tổ chức tốt cũng sẽ tạo dấu ấn riêng cho du lịch Huế.

Huế lâu nay vẫn mang tiếng là ngủ sớm, khách lưu trú thiếu địa chỉ vui chơi về đêm. Gần đây, Huế đã có phố đêm, nhưng lại gắn với từ “phố Tây” Phạm Ngũ Lão hay phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Nếu chỉ như vậy, phố đêm Huế sẽ chẳng khác phố Tây ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại kém sầm uất hơn. Đôi lần tôi đưa ý tưởng xây dựng các tuyến phố quanh Đại Nội như Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm thành phố đêm với các dịch vụ đặc trưng của Huế và nhận được sự đồng tình của không ít người. Để làm được điều này, cần quy hoạch lại các dịch vụ, có chính sách hỗ trợ người dân tôn tạo, giữ gìn nét xưa như nhà rường, nhà vườn và gắn với đảm bảo quyền lợi của người dân sinh sống tại đây. Điều này không chỉ tạo ra một phố đêm hấp dẫn mà còn góp phần làm cho khu vực Đại Nội sống động về đêm. Tất nhiên, để đi đến quyết định cuối cùng cần có những nghiên cứu cụ thể, phù hợp với các quy định trong bảo tồn và phát triển di sản.

Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top