ClockThứ Tư, 17/09/2014 18:26

Khi việc ai nấy làm

TTH - Thiếu một cách ứng xử đúng đắn với truyền thống, với làng nghề; thiếu sự bắt tay dài lâu và thiếu một chiến lược để gắn kết mỹ thuật với làng nghề là câu chuyện được nhiều nhà quản lý, họa sĩ – nhà thiết kế và nhà giáo bàn đến trên diễn đàn Thừa Thiên Huế cuối tuần cách đây chưa lâu. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đã được đặt ra, cả những vấn đề có thể còn chưa được đề cập tới, có lẽ ở đây còn có một vấn đề mấu chốt khác - sự co cụm, thiếu sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau giữa các làng nghề nói chung và các nghệ nhân nói riêng.

Khi viết những điều này, tôi còn nhớ vẻ thất vọng trên gương mặt Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Đại Vui khi đến thăm một nghệ nhân, đồng thời đặt làm một số sản phẩm gốm để trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm gốm Phước Tích cho khách của một hội thảo trong phạm vi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Sau khi tính thời gian, số lượng, câu trả lời nhận được là không thể. Câu trả lời tiếp theo cũng là không khi được đề nghị phối hợp với một người khác. Dù chất lượng của sản phẩm là lý do được đưa ra nhưng trong câu chuyện vòng vo sau đó, điều mà chúng tôi nhận hiểu lại ở tâm lý ai làm nấy biết, việc ai nấy lo.

Họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, người sáng lập ra Trúc Chỉ cũng kể về sự thất vọng tràn trề của anh khi cố gắng phát triển sản phẩm làng nghề với mỹ thuật nhưng không gặp được sự phối hợp tương thích. Đó là khi nghệ nhân hào hứng với ý tưởng, nhưng lại chỉ muốn tự mình hoàn thiện mọi công đoạn của sản phẩm ấy và từ chối sự phối hợp tự nguyện của những người thiết kế. Và khi hoàn thiện, mọi nỗ lực cả từ hai phía gần như đã về không.

Co cụm, thiếu sự hợp tác giữa các nghệ nhân và thiếu sự kết nối giữa các làng nghề là câu chuyện khác mà họa sĩ Hải Bằng và các cộng sự của anh ở Trúc chỉ chia sẻ. Đó có lẽ cũng là những hòn đá tảng trong nỗ lực đem đến những sản phẩm với sự kết hợp của nhiều làng nghề. Cũng vì lẽ này mà mong ước một chiếc đèn có sự hội tụ của làng nghề Bao La, những họa tiết trang trí được làm từ nghệ nhân làng đúc đồng và những đường thêu tài hoa của nghệ nhân xứ Huế trên giấy Trúc chỉ... đến bây giờ vẫn còn là mong ước.

Tất nhiên, những điều này mới chỉ là những ví dụ cụ thể. Tâm lý co cụm, việc ai nấy làm đang được xem là một lực cản trong xu thế mở, kết hợp và hòa nhập nhưng không có nghĩa là một thành trì khó phá vỡ. Nghệ nhân đang mỏng dần, thời gian không chờ đợi nhưng để khơi thông được việc này lại vẫn cần đến thời gian. Điều cần hơn là phương pháp, cách thức tiếp cận qua nhiều hình thức, và nên được kết hợp thông qua các dự án cụ thể, những phương thức tiếp cận với những yêu cầu cụ thể về phối hợp, đồng bộ trong phối hợp để sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống thực sự lấp lánh.

Nguyễn An Lê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top