ClockThứ Sáu, 21/06/2013 11:11

Không được “ngó lơ”

TTH - Như diều bay cao gặp gió, sự phát triển của một ngành kinh tế đến một mức cao, người ta mới chợt nhận ra có vẻ như đang thiếu một cái gì đó cần thiết vô cùng. Ví như ngành dệt may Thừa Thiên Huế, vào thời điểm này chiếm đến một nửa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và đang thu hút một lực lượng đông đến 1,5 vạn người mới như chợt nhận ra khó khăn và khiếm khuyết là thiếu một ngành công nghiệp phụ trợ phát triển đi kèm. Đó không còn là chuyện riêng của Thừa Thiên Huế mà là tình trạng chung của ngành dệt may cả nước.

Khái niệm công nghiệp phụ trợ được tiếp cận và được hiểu từ nhiều góc độ khác nhau, nhưng một cách chung nhất thì đó là “các ngành sản xuất nền tảng của công nghiệp chính yếu. Nó bắt đầu từ việc sản xuất nguyên vật liệu đến gia công, chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, phụ liệu, bao bì, nhãn mác… bằng các công nghệ chuyên môn hoá sâu cho ngành sản xuất các sản phẩm thuộc công cụ, tư liệu sản xuất, hoặc sản phẩm tiêu dùng.

Đối chiếu vào ngành may chẳng hạn thì công nghiệp phụ trợ đầu tiên là từ nhóm phụ liệu may bao gồm những chi tiết được kết hợp với vải chính tạo ra đến việc tạo nên sản phẩm mặc, như chỉ, khuy, cúc, kéo khóa... Kế đến là các loại bao bì sử dụng để đóng gói, hoàn tất sản phẩm. Cuối cùng là những loại phụ tùng bổ sung cho thiết bị may. Khó có thể hình thành được cả một hệ thống đầy đủ các ngành công nghiệp kể trên và trong nhiều trường hợp cũng không thật cần thiết, nhưng rõ ràng sẽ thật vất vả cho việc triển khai sản xuất nếu mọi thứ đều phụ thuộc bên ngoài. Theo tính toán, các nguyên phụ liệu này chiếm gần 1/3 số lượng sản phẩm làm ra của ngành dệt may.

Chuyện về ngành phụ trợ trong sản xuất công nghiệp nói chung và dệt may nói riêng khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh một khu vườn Huế điển hình với nhiều loại cây trái khác nhau, một thứ một tý từ trái ớt, trái chanh đến mớ rau, củ gừng..., quá trình chuẩn bị bữa ăn cần là có ngay. Một thời mô hình vườn Huế kiểu đó được xem là không hiệu quả và không mang lại giá trị hàng hóa. Vậy nhưng nghĩ cho cùng, đó là mẫu hình đắc dụng nếu biết cách khai thác hợp lý trong bối cảnh phù hợp và có những điều kiện cần thiết đi kèm. Ít nhất ở đây là sự chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Tại sao lại có tình trạng không mặn mà với việc đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ dù đầu ra đã có? Nhớ lại thời kỳ nhà máy xi măng Văn Xá mới đi vào sản xuất, một nhà máy sản xuất bao bì mang tính phụ trợ nhưng hoạt động độc lập cũng đã hình thành ở Huế hướng đến mục tiêu phục vụ đóng gói xi măng. Vậy nhưng ngay lập tức, doanh nghiệp này vì nhiều lý do đã bị phá sản. Còn tại các khu công nghiệp trong tỉnh, trong số 70 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng cũng chỉ mới có 3 doanh nghiệp phụ trợ sản xuất bao bì phục vụ cho việc đóng gói sản phẩm dệt may.

Rõ ràng có nhiều lý do, nhưng có thể thấy nguyên nhân chính vẫn là chưa có một chiến lược mời gọi đầu tư hợp lý và những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm mà các nhà đầu tư yêu cầu khiến cho nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nuớc và địa phương không đáp ứng nổi. Chuyện khó nhưng không vì thế mà “ngó lơ”, bởi lẽ sẽ không có một nền công nghiệp phát triển nếu không có ngành công nghiệp phụ trợ. Đó là vấn đề mang tính nguyên tắc.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top