Thứ Năm, 17/10/2013 05:56
(GMT+7)
Kinh doanh trong bão lụt
TTH - Hằng năm bão lụt mang lại bao điều hệ hụy. Ngoài tai nạn rủi ro, trước đây là nỗi lo thường trực về sự khan hiếm và thiếu hụt các nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt. Ngày nay nhu cầu các mặt của con người không ngừng nâng cao, bão lụt còn mang tới bao nỗi lo toan cho các hoạt động viễn thông, điện lực, du lịch… Nó có thể không gây nên tình trạng thiếu đói chết người nhưng cũng khiến cho sinh hoạt bị đảo lộn dẫn đến bao hậu quả khó lường.
Chủ động đảm bảo lương thực, thực phẩm dự trữ cho mùa mưa bão đã và đang là phương châm đặt ra tại các địa phương. Ví như ở Thừa Thiên Huế, từ ngày 15/8 đến 15/12, các doanh nghiệp được chọn và phân công đã được UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng tính trên giá vốn hàng dự trữ; đồng thời, hỗ trợ các chi phí lưu kho, bảo quản, hao hụt và chi phí vận chuyển. Theo đó, Công ty TNHH một thành viên Lương thực Thừa Thiên Huế dự trữ 100 tấn gạo, Xí nghiệp Thành Lợi 35 tấn mì tôm, doanh nghiệp tư nhân Vạn Thành 35 tấn mì tôm, Công ty TNHH Thái Đông Anh 20 tấn và Công ty cổ phần Vĩnh Phát 10 tấn mì tôm.
Mặt khác, cùng với khâu dự trữ do các doanh nghiệp cam kết, Sở Công thương cũng làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn để dự trữ thêm một số mặt hàng thiết yếu nhằm bình ổn thị trường khi bão lũ xảy ra; động viên các doanh nghiệp trực tiếp đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa khi có mưa bão với mục tiêu không để dân đói vì thiếu lương thực, thực phẩm trong mùa mưa bão. Tinh thần chung là khi có bão, lũ xảy ra trên địa bàn, nhận được công văn của UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn dự trữ phục vụ người dân, trong đó sẽ ưu tiên cho các huyện vùng cao, như Nam Đông, A Lưới và các vùng thấp trũng đi lại khó khăn. Hàng dự trữ phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để cung ứng kịp thời khi mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Sự chủ động từ phía các cấp quản lý chính quyền là cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ vai trò và ý thức của doanh nghiệp và của các đối tượng kinh doanh. Gần đây, dư luận nói nhiều đến việc lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa trong bão lụt để tăng giá và bán những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng hay đang bị tồn kho. Cũng một mặt hàng thiết yếu nhưng chỉ sau một ngày đêm mưa gió bão bùng ở những vùng khó khăn là giá có thể tăng lên gấp đôi gấp ba. Một dạo tôi nghe bàn tán nhiều về chuyện các loại mỳ tôm bán ra hay theo chân các đoàn từ thiện đến với đồng bào vùng bị ảnh hưởng bão lụt là loại hàng kém phẩm chất đã quá thời gian sử dụng. Nghe chuyện mà thấy thương và tội nghiệp cho dân nghèo. Còn gần đây, sau cơn bão số 10, tin nhắn cứ tới tấp vào máy di động theo kiểu đề nghị nhắn tin để ủng hồ đồng bào vùng bị bão lụt. Thứ này mà nhẹ dạ thương người thì tài khoản vơi ngay và chỉ có một con đường rơi vào túi những kẻ lừa.
Bão lũ gây nên khó khăn trong tổ chức sản xuất hay vận chuyển, vậy nên giá cả có đắt hơn một tý cũng là chuyện bình thường. Thế nhưng, sợ nhất vẫn là chuyện lợi dụng bão lụt, sự khó khăn của cộng đồng, của đồng bào để trục lợi. Nó trái với đạo đức kinh doanh cần có và truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc.
Đan Duy