ClockThứ Năm, 03/07/2014 09:25

Lại chuyện “học giả”, bằng giả

TTH - Hàng triệu thí sinh cả nước vừa qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học với tỷ lệ đỗ cao chót vót, hàng triệu học sinh vừa tốt nghiệp đó nay lại lao vào cuộc thi mới để dành một chỗ trong các giảng đường đại học với sự vất vả và tốn kém gấp bội.

Trong khi đó, thì một đường dây “khủng” làm bằng giả lớn nhất từ trước đến nay vừa bị phát hiện ở Cầu Giấy - Hà Nội, muốn bằng gì cũng có (Theo CAND online ngày 23/6), đồng thời rất nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường lại không thể tìm được việc làm đúng ngành nghề đã học. Tình trạng nói trên xuất hiện đã nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến lãng phí về nhiều mặt mà chất lượng đào tạo thua kém nhiều nước trong khu vực. Việc không ít “đại gia” và cán bộ các cấp tìm mọi cách để gửi con em ra nước ngoài học là một bằng chứng hiển nhiên về điều đó. Dư luận đòi hỏi phải cải cách giáo dục mạnh mẽ, tận gốc là điều tất yếu, nếu Việt Nam quyết không chịu mãi tình trạng tụt hậu, thua kém bạn bè.

Nhân bàn chuyện thi cử, xin dẫn một câu chuyện mà tôi tình cờ chứng kiến tại một quầy ở Bưu điện Trung tâm Huế trong tháng 5 vừa qua. Hôm đó, tôi gặp một khách hàng, dáng người khá cao lớn, đẫy đà và đạo mạo, lui tới giây lát như e ngại, phân vân điều chi đó, rồi hỏi cô nhân viên:

- Tôi có giấy mời nhận tiền, nhưng tôi không muốn nhận, thì làm sao?

- Giấy của anh đâu?... Anh ghi “tôi không nhận” vào đây rồi ký tên. Vị khách thực hiện nhanh chóng theo hướng dẫn. Thấy việc lạ, tôi hỏi:

- Sao anh không nhận? Có nhiều không anh?

- Hai triệu… Của một học viên lớp cao học… Tôi không thể nhận tiền như thế này…

Vị khách trả lời rất nhỏ, vẻ miễn cưỡng rồi bước đi. Tôi không kịp hỏi gì thêm, chỉ nhớ bộ mặt hơi nhăn lại đầy đau khổ của anh.

Liệu có thể nói gì trước một “việc nhỏ” có thể chìm khuất trong vô vàn chuyện vui buồn của nền giáo dục Việt Nam hiện nay?

Trước hết, xin được hoan nghênh việc làm tốt đẹp của người thầy mà tôi chưa biết tên - một cách hành xử chứng tỏ tính liêm khiết trước một vụ “đút lót”, cũng có thể gọi là hối lộ. Chúng ta đều biết, không chỉ trong ngành giáo dục, việc đút lót (với nhiều mục đích khác nhau) đang diễn ra khắp nơi, nhưng người từ chối của hối lộ hình như còn là hiếm hoi. Riêng với ngành giáo dục, ngoài việc hoan nghênh người thầy đã từ chối nhận tiền học viên đút lót, thiết nghĩ qua sự việc này, có một câu hỏi cần phải đặt ra: hiện tượng các học viên dự lớp đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phải “đút lót” và “chiều lụy” các thầy là cá biệt hay phổ biến? Vấn đề khá hệ trọng vì những người kiếm được tấm bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ không phải bằng thực lực của mình - nếu không là thầy giáo thì cũng là cán bộ có chức quyền ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể - sẽ “di truyền” sự yếu kém cả về trí tuệ và đạo đức cho các thế hệ tiếp nối.

Chuyện học viên phải “chiều lụy” các thầy thì không hẳn là “tội” của học viên. Từ mấy tháng trước, khi đọc tiểu thuyết “Gã tép riu” của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, đồng thời trên báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam đăng một truyện ngắn, cả hai tác phẩm đều có tình tiết thầy hướng dẫn luận văn thạc sĩ, tiến sĩ đòi hỏi nữ học viên phải “lên giường” với mình, tôi đã định nêu vấn đề ra công luận, nhưng rồi tôi không viết vì nghĩ rằng đây là các tác phẩm “hư cấu”, chứ sự thực chắc gì đã có những chuyện tồi tệ đến mức ấy, mặc dù đó là điều lâu nay dư luận đã nhỏ to bàn tán ở nhiều nơi.

Vậy là từ một cách hành xử tốt đẹp của một người thầy, tôi buộc phải đưa ra công luận một hiện trạng đáng phải báo động trong việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam mà có lẽ bất cứ ai chịu khó lắng nghe dư luận xã hội đều biết.

Muốn xã hội loại trừ loại người tiến thân bằng “học giả” hoặc bằng giả thì cùng với việc cải cách giáo dục triệt để, phải thay đổi cách đánh giá, tuyển dụng cán bộ và tổ chức bộ máy các cấp cũng có vô số điều phải “cải cách” như ngành giáo dục hiện nay, trong đó và trước hết, cần có cơ chế kiểm tra và công khai thật sự để loại bỏ bằng được tiêu chuẩn ưu tiên là “nhất thân nhì thế” cũng như các “đường ngầm” mua chức quyền, đồng thời không máy móc chỉ căn cứ vào bằng cấp mà phải coi trọng năng lực thực tế của cán bộ. Được như thế, những kẻ “học giả” và “mua” bằng giả với nhiều cách, sẽ không còn đất sống.

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top