Trong niềm vui nho nhỏ đó, chợt nhớ cái cảm giác hơi “chông chênh” khi tờ báo mới ra lò. Lời khen nhiều nhưng không phải là không có những ý kiến khác. Đó là điều bình thường và những người làm báo cần trân trọng, lắng nghe để hoàn thiện hơn những sản phẩm của tòa soạn mình. Tuy nhiên, điều tôi hơi bất ngờ là không ít người lại chú ý, “chỉ chỏ” mấy cái hột xúc xắc xăm hường, mấy hột bầu cua tỏ ý không hài lòng, sợ không khéo báo cổ súy cho chuyện cờ bạc (!?)
Mạn đàm với một người bạn ít nhiều có kiến thức về văn hóa. Anh bảo đó là những trò giải trí ngày xuân của người xưa, rất trí tuệ và rất nhân văn. Xăm hường và bầu cua in đậm dấu ấn của nền văn hóa nông nghiệp, của một dân tộc hiếu học. Người xưa sáng tạo ra những trò chơi ấy vừa để giải trí nhưng cũng vừa để gửi gắm những mong cầu, khát vọng về những vụ mùa bội thu, về sự đỗ đạt, hanh thông trong học hành, hoạn lộ… Nếu nó có bị “nâng cấp” thành “cờ bạc” là do lỗi của những người có máu đỏ đen. Cũng giống như bóng đá, đó là môn thể thao vua, do những kẻ ưa đỏ đen ăn thua mới thành ra nạn cá độ. Và nạn cá độ tỷ số mới kinh hoàng. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà bóng đá có lỗi?
Trở lại chuyện xăm hường. Trò chơi sang trọng, nổi tiếng, nhân văn như thế, vậy mà cả giới hướng dẫn viên du lịch (HDV) - những người có/ buộc phải có kiến thức văn hóa đủ rộng- cũng đã… “nhầm” với bộ xăm đoán tài vận vẫn được thờ ở các đền chùa mà nhiều người vẫn thường đi xin vào dịp đầu năm. Thế nên mới có tình trạng có HDV dẫn du khách vào thăm Đại Nội, khi khách dừng xem trò chơi xăm hường, họ đã dùng hai tay làm điệu bộ lắc lắc cái ống xăm cho quẻ xăm rơi ra nơi đền chùa để “hầu chuyện” du khách. Thế có buồn, có… “chết” cho văn hóa hay không?
Đời sống ngày mỗi khấm khá, du lịch ngày càng phát triển. Nghề HDV vì thế sống được và được nhiều người chọn lựa, không ít người trong số đó là HDV tự do. Một chiếc xe máy, mạnh dạn tiếp xúc, chịu khó cọ xát tiếng tây, một thời gian là có thể chở khách vi vu và thuyết minh… trên trời dưới đất. Ai đi theo mà biết họ kể với du khách về đất nước, về văn hóa, về lịch sử ra làm sao? Ông S., một HDV tự do từng kể cho tôi chuyện có lần ông dẫn đoàn khách Pháp về quê ông-làng cổ Phước Tích. Bắt gặp một đoàn khác đang trên đường trở ra. Nghe ông S. thuyết minh, đoàn khách đang trở ra tò mò nán lại… nghe ké. Rồi họ cùng kêu lên: Thú vị như thế, mà sao đoàn của họ không được nghe, không được cảm nhận? “Tại HDV của mình không hiểu. Bản thân không hiểu, làm sao họ làm cho khách hiểu được?”- ông S. tỏ ra ngán ngao với “đồng nghiệp”... Từ bộ xăm hường, từ câu chuyện của ông S., chợt nghĩ, không thể xem thường việc quản lý, kiểm tra, tập huấn cho lực lượng này- một bộ phận những “sứ giả đầu tiên” của một vùng miền, và rộng hơn nữa là của đất nước tiếp xúc với du khách.