ClockThứ Năm, 27/11/2014 17:59

Làng khoa bảng

TTH - Ít có làng quê nào như Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền). Dưới thời phong kiến, tuy không có người đỗ đạt cao (tiến sĩ, phó bảng), nhưng lại có nhiều người đỗ tú tài, cử nhân. Tự hào về truyền thống hiếu học đó, người làng Phước Tích có câu: “Tú tài lấy triêng mà gạt, cử nhân lấy trạc mà khiêng”.

Nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Thế giải thích theo kiểu dân dã, nghe hóm hỉnh mà cũng thiệt có lý, “triêng” là đòn gánh và “trạc” là dụng cụ khiêng đất, gồm một tấm đan bằng nan tre dày, buộc hai đòn tre hai bên, khi khiêng phải có 2 người, một người đi trước một người đi sau nắm tay vào đòn để khiêng. Xưa khi đong lúa, người ta thường dùng cái ống tre để gạt phần lúa thừa ở trên cái thùng gỗ hay hộc gỗ. Ở Phước Tích, do đỗ tú tài nhiều quá nên phải dùng đòn gánh thay cho ống tre. Cũng là chuyện xưa, làng nào có người đỗ cử nhân là vinh dự lớn, dân làng phải dùng kiệu để rước. Phước Tích có nhiều kẻ đỗ cử nhân, không đủ kiệu nên phải thay bằng cái trạc để đi đón. Ở làng quê như Phước Tích, nổi tiếng với nghề làm gốm, nhà mô cũng vài ba cái trạc khiêng đất cùng đồng thời để khiêng luôn cử nhân kia. Nói thế là nói trạng. Thế nhưng, đằng sau cách nói có vẻ “trạng lồi” kia lại là cả niềm vui, niềm tự hào.

Tôi đi về nhiều làng quê của Huế mình. Chuyện trò với nhiều người, đặc biệt là các vị cao niên, nghe nhiều nhất và cũng sướng nhất là cái chuyện học. Xưa cũng vậy và nay cũng thế. Ai đỗ cao, học giỏi hình như cả làng đều biết và tự hào lắm lắm. Làng mô kiểu như Phước Tích có nhiều người đỗ đạt, nhất là đỗ đại khoa thì sướng và oai vô cùng. Không sướng sao được khi mà tên tuổi của người đỗ đạt đã được lưu vào sử sách và còn truyền tụng cho đến hôm nay. Theo sách “Quốc triều hương khoa lục” và “Các nhà khoa bảng Việt Nam” thì 3 làng có nhiều người đỗ đạt nhất ở Thừa Thiên Huế đều thuộc thị xã Hương Trà, đó là làng Thanh Lương với 19 cử nhân, La Chữ với 17 cử nhân và 1 tiến sĩ, Minh Hương với 12 cử nhân, 1 tiến sĩ, 2 phó bảng. Tiếp đến là các làng An Lỗ (8 cử nhân, 1 tiến sĩ, 2 phó bảng), làng Chí Long (3 cử nhân, 1 tiến sĩ, 3 phó bảng) đều thuộc huyện Phong Điền và làng An Cựu (TP Huế) có 8 cử nhân. Kế Môn (Phong Điền) và Nguyệt Biều (Huế) là 2 làng có nhiều đại khoa, mỗi làng có 2 tiến sĩ.

Làng khoa bảng xứ Huế gắn liền với những “thế gia vọng tộc”. Lưu truyền là câu ca “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà/ Thứ tư mới đến dòng nhà Nguyễn Khoa”. Dòng họ Thân gắn với làng Nguyệt Biều - An Lỗ, họ Đặng ở làng Thanh Lương - Bác Vọng, họ Hà ở làng La Chữ và họ Nguyễn Khoa ở An Cựu - Ưu Điềm. Còn tìm hiểu về những làng khoa bảng ở Thừa Thiên Huế, mới thấy rõ một điều, để có được những người con vinh hiển là do các làng xã đó cùng với các dòng họ đã dày công nuôi dưỡng, giáo dục và phát huy truyền thống hiếu học của làng xã, dòng tộc. Những dòng có người đỗ đạt cao càng chăm chút cho công việc học hành của con cháu, giúp nhau tiến thân bằng con đường khoa cử để thoát nghèo, để nâng cao vị trí của mình trong xã hội. Cứ thế nó trở thành biểu tượng đẹp, nét truyền thống cao quý đáng tự hào của làng xã và dòng tộc.

Cái sự học được người xưa tôn vinh. Ở các làng xã xứ Huế, bên cạnh chùa làng, đình làng lại thấy có văn thánh. Ngoài chức năng thờ cúng vị chí thánh Tiên sư Khổng Phu Tử và các bậc tiên hiền, văn thánh còn là nơi tôn vinh nho học, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo. Ở làng Thế Chí Tây (Phong Điền) còn có ngôi miếu “Ngài tiến sĩ”, đến mùa thi học trò trong vùng lại đến dâng nén hương hoa để cầu vị tiến sĩ phù hộ cho mình đỗ đạt và sau khi thỏa nguyện lại đến thắp hương hoặc làm mâm cỗ tạ ơn. Còn ở làng Vĩnh An (cũng huyện Phong Điền) lại có miếu thờ tục gọi là miếu Ông Hương, phía trước có khắc 4 chữ “công thành danh toại”. Chuyện học hành, đỗ đạt đã là niềm tự hào của những làng quê Huế xưa nay...

Lê Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Return to top