Sử cũ chép lại, chiều 25/8/1945, Đổng lý ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe đã cho niêm yết Chiếu thoái vị và bản Tuyên chiếu của nhà vua với hoàng tộc ở Phu Văn Lâu. Cùng ngày, phái đoàn Chính phủ lâm thời gồm các ông Trần Huy Liệu (Trưởng đoàn), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận đã rời Hà Nội vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Mãi đến trưa 29/8/1945, phái đoàn đến Huế và đi thẳng tới sân vận động, nơi đồng bào đã tập hợp từ tối 27-8 để chào mừng. Từng tràng vỗ tay kéo dài khi nghe Trưởng đoàn Trần Huy Liệu thông báo cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi rực rỡ trên phạm vi toàn quốc, giới thiệu Ủy ban Giải phóng dân tộc tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Cũng trong ngày 29/8, tại điện Kiến Trung, phái đoàn Trung ương gặp vua Bảo Đại để bàn thủ tục của buổi lễ thoái vị. Và rồi, một ngày sau đó, chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức tại Ngọ Môn với sự tham dự của hơn 5 vạn người, được tập hợp với đội ngũ chỉnh tề trên sân cỏ trải rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân Kỳ Đài.
69 năm trôi qua kể từ buổi chiều hôm ấy. Thế nhưng, với bao tâm hồn Việt, đó vẫn là ký ức không thể nào phai. Những địa danh, như sân vận động, Ngọ Môn hay Kỳ Đài Huế vẫn còn đó, là những biểu tượng lịch sử của một vùng đất từng có một thời là kinh đô của nước Việt. Cũng ít nhiều bị phôi phai và đổ nát nhưng điện Kiến Trung xưa trong Kinh thành Huế vẫn là điểm đến của bao người. Xin được nói thêm về di tích này. Nguyên thủy trị vì là lầu Minh Viễn do vua Minh Mạng xây vào năm 1827, lầu có 3 tầng, lợp ngói hoàng lưu ly, trên lầu có kính viễn vọng để vua có thể quan sát từ xa. Năm Tự Đức thứ 29, lầu Minh Viễn bị triệt giải và đến năm 1913, vua Duy Tân cho làm lại lầu khác theo kiểu mới gọi là lầu Du Cửu. Năm 1921-1923, vua Khải Định mở rộng thành cung điện và đặt tên là điện Kiến Trung, dùng làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung. Sau này, vua Bảo Đại cho tu sửa lại điện, tân trang các tiện nghi theo kiểu phương Tây và cùng với hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại đây.
Hà Nội tự hào với quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi mà vào ngày 2/9/1945, chứng kiến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Huế cũng có thể tự hào với Kỳ Đài - Ngọ Môn, với sân vận động và cả điện Kiến Trung nữa, nơi đã lưu lại dấu tích liên quan tới sự kiện vua Bảo Đại thoái vị. Một nơi bắt đầu cho một cái mới tốt đẹp và nhiều hứa hẹn. Còn nơi kia lại ghi dấu sự kết thúc của một cái cũ đã lỗi thời và đi qua, nhưng lại có dấu ấn cả hàng trăm năm tồn tại và phát triển. Ở Huế, dấu tích xưa gắn với địa danh với sự kiện lịch sử vua Bảo Đại thoái vị vẫn còn đó là một tín hiệu vui. Nó cần được trân trọng và hơn thế, cần phải được giữ gìn và tôn tạo để trở thành điểm đến của du khách trong hành trình đến Huế, thăm lại kinh đô xưa.