ClockThứ Năm, 11/06/2015 16:53

Loay hoay làm khổ học trò

TTH - Những ngày gần đây, dư luận cả nước xôn xao bởi phát biểu của Giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) xoay quanh việc tuyển sinh vào lớp 6 ở thủ đô bằng hình thức xét tuyển học bạ. Theo vị giáo sư khả kính này, nếu xét tuyển học bạ thì đúng là khó thật vì hầu hết là học sinh giỏi. Bốc thăm để tuyển sinh thì phản khoa học quá. Thế là, ông đề xuất theo kiểu nói vui, hay là trong số những học sinh dự tuyển đều đạt, đều giỏi ấy lại phải đo chiều cao và cân nặng để chọn ra học sinh có thể lực tốt để tuyển.

Câu chuyện của Giáo sư Cương và các trường học ở Hà Nội cũng là câu chuyện chung của giáo dục cả nước. Cũng là chuyện tuyển sinh vào lớp 6, phương thức tuyển sinh ở tất cả các trường trung học cơ sở tại Thừa Thiên Huế là xét tuyển. Xem ra theo các tiêu chuẩn quy định, như học sinh tiểu học phải hoàn thành chương trình tiểu học, đúng độ tuổi, theo quy định phân vùng của UBND các huyện, thị xã và TP Huế như lâu nay, việc tuyển sinh suôn sẻ. Đáng nói ở đây là đối với Trường THCS Nguyễn Tri Phương chẳng hạn. Là trường điểm, có thương hiệu hàng đầu của ngành giáo dục địa phương, lại mới được xây dựng mới khang trang và hiện đại, nay chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo… Vậy là lúng túng. Đơn giản, khi nhiều phụ huynh và học sinh đều muốn vào học ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Khi mà cầu vượt quá cung thì cách giải quyết tốt nhất là phải thông qua một kỳ thi tuyển!

Nhìn vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo nước nhà cũng như địa phương những năm gần đây, nổi cộm lên vấn đề lớn và dĩ nhiên rất “nóng” là việc thay đổi trong tuyển sinh. Sau bao nhiêu năm tuyển sinh theo kiểu truyền thống, bắt đầu từ năm này sẽ là kỳ thi “hai trong một”, gộp kỳ thi đại học, cao đẳng với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuyển sinh ở các cấp học phổ thông thì lại chuyển từ thi tuyển qua xét tuyển, vừa xét lại vừa thi. Hay như ở Thừa Thiên Huế lúc tách riêng, có thời điểm tuyển sinh trung học phổ thông ở trường tại Huế gộp chung với thi vào trường THPT chuyên Quốc Học, rồi từ đó phân ra dựa theo tiêu chuẩn đề ra cho học sinh chuyên.

Suy cho cùng, việc tuyển sinh ở cấp học, kể cả tuyển sinh đại học và cao đẳng là chọn đúng năng lực, sở trường, hay nói nôm na là đúng “chỗ ngồi” cho các đối tượng học sinh. Một thời gian dài, việc thi cử hằng năm hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể trong quãng thời gian có khi kéo dài hàng thập kỷ. Thế nhưng, công bằng mà nói không vì thế mà ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Học sinh là các thế hệ khác nhau cách nhau cả chục năm vẫn có thể cùng tham khảo một cuốn sách giáo khoa hay một cách thi tuyển. Việc thay đổi cách tuyển sinh là cần thiết có nhưng rõ ràng phải tính đến hiệu ứng mang tới từ nhiều mặt. Nó phải bảo đảm sự ổn định trong học tập và rèn luyện của học sinh và hạn chế tới mức thấp nhất những xáo động về mặt tâm lý xã hội. Công tác tuyển sinh thay đổi phải thể hiện được tính ưu việt hơn hẳn và có tính bền vững lâu dài. Đừng loay loay theo cách làm đi sửa lại mà khổ cho học trò!

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top