ClockThứ Năm, 09/01/2014 06:04

Lợi ích nhóm

TTH - Lợi ích nhóm là một cụm từ quen thuộc trong thời gian gần đây. Khi đề cập đến một vấn đề nào đó gây bất bình trong xã hội, hoặc trước một sự việc chưa có sự thống nhất cao giữa các ngành, các cấp nhưng nó vẫn diễn ra do một số người quyết định không cần tham khảo ý kiến của cộng đồng, các nhà khoa học, người ta lại bình phẩm “cũng do lợi ích nhóm cả thôi”!

Lợi ích nhóm chưa được giải nghĩa rõ trong từ điển tiếng Việt nhưng xã hội và thực tiễn cuộc sống hiểu rằng, lợi ích nhóm ám chỉ một bộ phận người có chung lợi ích tác động đến cơ quan, đơn vị ra những quyết định theo hướng có lợi cho nhóm mà quên đi lợi ích chung của đời sống xã hội.

Lợi ích nhóm nhìn từ thực tế thấy quy mô của nó khá đa dạng. Nhỏ thì bộ phận này với bộ phận kia, giữa người này với người nọ liên kết với nhau lách luật làm một việc gì đó mang lại lợi ích cho nhau. Đây là một hình thức tham nhũng biểu hiện dưới nhiều dạng vẻ như chạy án, chạy chức, chạy quyền. Lớn thì ngành này liên kết với ngành kia, cấp này ăn ý với cấp nọ nhằm mục đích có lợi cho ngành, cho bộ phận, cho một nhóm người. Lợi ích nhóm gây mất đoàn kết nội bộ, sinh bệnh đấu đá lẫn nhau. Cá nhân đấu đá với cá nhân, tạo phe lập phái, tìm cách hạ bệ uy tín của nhau, ảnh hướng xấu trong dư luận xã hội, mất niềm tin đối với tập thể cơ quan, đơn vị và nhân dân. Tệ hại hơn là làm cho không khí sinh hoạt căng thẳng, chán nản, nghi ngờ, cảnh giác lẫn nhau…

Qua các cuộc thanh tra, kiểm toán thấy nhiều doanh nghiệp doanh thu, hạch toán lỗ nhưng tiền lương, tiền thưởng lại cao. Riêng hệ thống ngân hàng số nợ xấu ngày càng tăng lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Nợ xấu ngoài nguyên nhân khách quan do khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động, còn lý do khác là ngân hàng nhảy ra đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán mà không ít trong số họ chính là doanh nghiệp sân trước – sân sau của các ngân hàng.

Biết trước sự nguy hại của lợi ích nhóm, Nghị quyết Trung ương 3 và 4 (khóa XI) về các vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và xây dựng Đảng đã cảnh báo nguy cơ tự diễn biến từ lợi ích nhóm, từ những tính toán cục bộ, tư duy nhiệm kỳ của một số cán bộ hám danh, hám lợi, tham lam vật chất. Quá tham lam vật chất, một số cán bộ “đầu tư” vun vén cá nhân. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà Đảng và Nhà nước giao cho để tham nhũng dưới nhiều hình thức thông qua lợi ích nhóm. Xuất phát từ lợi ích nhóm, trong sinh hoạt đời sống xuất hiện nhóm này gần gũi với nhóm kia, người này bám víu với người nọ “thân hữu” với nhau trong toan tính cho lợi ích nhóm. Hiện tượng đó đã được xã hội, nhân dân nhìn thấy và lên án vì hiểu rằng chính họ (lợi ích nhóm) đã làm hoen ố truyền thống vẻ vang của Đảng, làm cho nhân dân mất niềm tin. Nguy hại hơn là họ vô tình tiếp sức cho các thế lực thù địch lợi dụng bôi xấu Đảng và Nhà nước ta. Bằng những sự việc cụ thể, con người cụ thể của lợi ích nhóm, các thế lực thù địch nhân rộng ra, khái quát hóa vấn đề làm lung lạc niềm tin trong cộng đồng xã hội.

Trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, của Internet, những sự việc xấu của nhóm lợi ích được tán phát rộng rãi trong dư luận không chỉ trong nước mà rộng ra toàn cầu. Nó có tác hại rất lớn vào tư duy, suy nghĩ của nhiều người.

Khi lợi ích nhóm phát triển, nó ngày càng khoét sâu mất công bằng trong xã hội. Một bộ phần giàu lên nhanh đến nỗi bất ngờ. Lợi ích nhóm chính là chủ nhân gây mất công bằng trong xã hội, phát sinh lối sống không lành mạnh một bộ phận cán bộ, bóp nghẹt dân chủ…

Hơn lúc nào hết cần có biện pháp mạnh lên án và xử lý triệt để những hành vi, sự việc mang tính lợi ích nhóm. Phải có cơ chế khống chế quyền lực bằng thực hiện dân chủ, công khai minh bạch để người dân có trách nhiệm giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền, giám sát lối sống, cách hành xử của cán bộ, đảng viên. Trong công tác cán bộ phải chọn cho được những cán bộ có đức, có tài, có tâm. Phải bỏ hẳn cơ chế xin cho, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ “Dĩ công vi thượng”. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải ở những buổi nghe truyền đạt nội dung lý thuyết mà bằng hành động cụ thể trong công việc, trong quan hệ với nhân dân, trong tư duy và hành động – nói đi đôi với làm, làm nhiều nói ít.

Cốt lõi của vấn đề là mở rộng tự phê bình và phê bình trong và ngoài Đảng, làm cho công tác này có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Tự phê bình và phê bình nếu quần chúng không tham gia thì ý nghĩa và hiệu quả của nó không đem lại như điều Đảng ta đặt ra, bởi lẽ hoạt động chính trị chỉ có ý nghĩa thực sự khi và chỉ khi nó phát động được quần chúng nhân dân, thúc đẩy họ tích cực tham gia quá trình cải biến xã hội. Nếu không thì công tác phê bình và tự phê bình “co”, “khoanh” lại trong nội bộ từng cơ quan, đơn vị, mà “nội bộ” thì dễ xê xoa, dĩ hòa vi quý, cấp dưới không dám phê bình cấp trên.

Tự phê bình và phê bình có hiệu quả thiết thực khi cán bộ, đảng viên và nhân dân dám đấu tranh với những điều sai trái, mất dân chủ, lợi dụng chức quyền địa vị, dám công khai lên án lợi ích nhóm và nhóm lợi ích bằng sự việc cụ thể, con người, nhóm người cụ thể.

Chiến Hữu - Uyên Thi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top