Khỏi phải nói về sự bàn luận rôm rả ngay sau khi dự luật được tung ra. Người đồng tình nhiều song kẻ phản đối cũng không ít. Thậm chí có nhiều ý kiến phản đối khá gay gắt. Người ta nại lý do về tính khả thi khi áp dụng, nại lý do về sự phiền toái không cần thiết, về ảnh hưởng xấu hoặc là một bước thụt lùi của du lịch Việt Nam; thậm chí còn có người còn gọi đó là “thêm một quyết định “trên trời” được ban hành”. Vân vân và vân vân…
Tại sao lại có nhiều phản ứng? Đôi lúc chúng tôi tự đặt câu hỏi như thế và rồi tự tìm câu trả lời. Thật dễ hiểu. Vì ngành sản xuất rượu bia là ngành siêu lợi nhuận. Hơn thế nữa, Việt Nam lại là thị trường tiêu thụ bia rượu nhiều thuộc hàng bậc nhất. Cái này không phải suy luận võ đoán mà dựa vào thống kê đã được công bố trên báo chí. Công bố này cho thấy trong hai năm 2012-2013, trung bình mỗi năm người Việt tiệu thụ khoảng 3 tỉ lít bia (tiêu tốn khoảng 4,56 tỷ USD). Mức tiêu thụ này đưa Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong danh sách 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới. Ấy là chưa kể đến các loại rượu, từ sản xuất công nghiệp cho đến “tự cung tự cấp” mà người ta tin rằng là được tiêu thụ với số lượng không hề ít. Thị phần béo bở như thế, nay bỗng dưng xuất hiện văn bản có nguy cơ… “ngăn cản”. Nó chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến doanh số, lợi nhuận, đến công ăn việc làm của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư, của nhân viên, công nhân, của những nhà hàng, quán nhậu… Vậy thì vấp phải sự phản ứng là điều hết sức bình thường.
Một lý do nữa khiến Dự luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia vấp phải sự không đồng thuận còn là bởi uống bia rượu đã trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ của đủ loại thành phần người trong xã hội. Mà một khi đã trở thành thói quen thì phá bỏ nó là cực kỳ khó khăn. Từ anh xích lô, xe thồ, cho đến anh công nhân, anh cán bộ công chức nhà nước…Rất nhiều người chiều chiều không có chút men là thấy “thiêu thiếu cái gì đó” không thể chịu được. Tôi có anh bạn tính hơi tưng tửng. Sau nhiều bận quan sát “một vài đồng chí” trong cơ quan đã khái quát được một kết luận có tính…nguyên lý mà không ít người phải công nhận là nó rất “ứng” với “loạn loạn” người. Cái “nguyên lý” ấy là:
-7h: Tới cơ quan;
-8h: đi qua đi lại;
-9h: băn khoăn;
-10h: Ra quán bia…
Đã ra quán là uống, mà đã uống thì chai rồi chai nữa. Có khi thông tầm. Chiều bỏ việc, hoặc có “tái ngộ” cơ quan thì đã tưng bừng, gật gà gật gù chẳng còn ra thể thống, nói chi tới hiệu quả, hiệu suất công việc?
Có lẽ nhận ra hiện tượng chả mấy hay ho, nếu không muốn nói là tệ hại này, nên nhiều tỉnh thành trong cả nước đã ban hành chỉ thị cấm cán bộ, công chức rượu bia trong thời gian nghỉ giữa ca, giữa buổi. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từ cuối năm 2012 cũng đã ban hành Chỉ thị 51 về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn, trong đó có quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được uống rượu, bia, thức uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc và ngày trực. Quy định này ban đầu có thể gây “băn khoăn”, bức bối khó chịu trong một bộ phận cán bộ, công viên chức, người lao động; nhưng chấp hành riết thành quen và lại thấy hoá hay. Ngay như cơ quan chúng tôi, cách đây mấy tháng có đăng cai tổ chức một hội nghị thường niên khá lớn với hàng trăm khách đến từ miền Trung- Tây Nguyên cũng như nhiều tỉnh thành trung tâm trong cả nước. Buổi trưa ngày khai mạc, đồng chí thủ trưởng cơ quan thông báo mời cơm nhưng không bia rượu, chấp hành đúng tinh thần Chỉ thị 51 của UBND tỉnh. Hơi “ngộ” và hơi…ngượng nghịu tí chút giữa chủ và khách. Nhưng ấy là chỉ một thoáng ban đầu. Đến giờ làm việc buổi chiều, ai cũng cho rằng đó là sáng kiến hay. Bởi “kinh nghiệm” mọi năm, chiều hôm ấy cứ gọi là… “chết lên chết xuống”. Hội trường trống nhiều ghế. Cử toạ có mặt thì hầu hết đều…oải và chỉ mong cho hết giờ.
Rượu bia có thể mang đến lợi ích cho một bộ phận doanh nghiệp, người lao động trong xã hội. Tuy nhiên, tác hại của rượu bia lại vô cùng lớn mà chưa gì có thể lượng hoá, đong đếm nổi. Chỉ mới tính sơ sơ hơn vạn con người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm, mà trong đó, chiếm một phần đáng kể có nguyên nhân từ bia rượu. Một vạn người chết, chưa tính số người thương tật vĩnh viễn. Đó là gì nếu không là gánh nặng khủng khiếp cho xã hội? Mà đâu chỉ có tai nạn giao thông, rượu bia còn là nguyên nhân của bao tệ nạn khác, làm băng hoại biết bao nhân cách, xé nát hạnh phúc của biết bao gia đình, nền tảng đạo đức xã hội bị đe doạ… Cho nên, dù không ít phản đối, song tin chắc số người ủng hộ Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia sẽ là không hề nhỏ. Rất nhiều người, rất nhiều gia đình đang ngóng mong dự thảo sẽ được thông qua và ban hành. Hãy để những quy định rất cần kíp ấy đi vào cuộc sống và rồi thực tiễn sẽ dần dần có những điều chỉnh hợp lý. Cũng hãy đừng lo dự luật ảnh hưởng xấu đến du lịch. Nếu ai có dịp đi Thái Lan, đi Singapore, đi Malaysia thì hẳn đã thấy. Ở đó, kiếm một chai bia không hề là chuyện nhỏ như ở xứ ta; và giá của một chai bia, loại bình thường thôi, cũng cực kỳ đắt đỏ. Vậy mà du lịch của họ vẫn cứ phát triển ào ào. Kể cả dân… ghiền bia như người Việt ta cũng sang chơi nườm nượp. Nào có thấy ai phàn nàn?...