Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành của nước ta đã dành trọn Mục 4 (từ điều 44 đến điều 50) để xác định: Nghĩa vụ kê khai tài sản; tài sản phải kê khai; thủ tục kê khai; xác minh tài sản; công khai kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức…
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề cập việc minh bạch và công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã xác định các nhóm giải pháp về xây dựng Đảng, trong đó nêu rõ: “Thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước”, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong công tác này một cách có trách nhiệm, đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Một trong những biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp như đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng là nạn tham ô, tham nhũng. Việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức là một việc làm rất quan trọng và cần thiết, giúp cơ quan, tổ chức… có thẩm quyền kiểm soát, nắm được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó, góp phần phòng, chống tham ô, tham nhũng.
Trong nhiều năm qua, tuy các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn mang tính hình thức và hiệu quả rõ ràng còn thấp. Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và kết quả 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (2007-2011), chưa có vụ việc tham nhũng nào đã được phát hiện từ những dấu hiệu bất minh trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.
Cho đến nay, việc kê khai tài sản, thu nhập vẫn đang còn dừng ở bước kê khai và công khai ở mức độ rất khiêm tốn tại cơ quan người đó công tác; việc kê khai tài sản, thu nhập chưa nhằm được và đúng cái đích phát hiện dấu hiệu tham nhũng để ngăn chặn, xử lý…
Sở dĩ, tình trạng nói trên diễn ra trong một thời gian khá dài là do những người thuộc đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập chưa thông suốt và quyết tâm thực hiện. Họ chưa nhận thức đó là một biện pháp cần thiết để quản lý cán bộ, công chức, viên chức, giữ gìn sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hành để tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính.
Theo Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành, bản kê khai tài sản, thu nhập được lưu cùng hồ sơ cán bộ. Và theo Quyết định số 14/2006/QĐ-BNV, ngày 6/11/2006 của Bộ Nội vụ, thì hồ sơ cán bộ, công chức lại được quản lý, sử dụng và bảo quản theo chế độ tài liệu mật do Nhà nước quy định; chỉ những người được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức đồng ý bằng văn bản, mới được nghiên cứu, khai thác hồ sơ cán bộ, công chức.
Nếu bản kê khai tài sản, thu nhập không được công khai rộng rãi trong chi bộ và cơ quan thì chi bộ làm sao quản lý được đảng viên; nhân viên trong cơ quan và nhân dân làm sao có thể giám sát, thẩm định việc kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai là trung thực hay giả dối?
Qua việc kê khai tài sản, thu nhập thấy rằng, chưa có cơ chế kiểm tra mức độ trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Chưa có chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp kê khai không trung thực, kê khai theo hình thức, qua loa, đại khái.
Theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, cần sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản liên quan khác để minh bạch và công khai kết quả kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Luật Phòng, chống tham nhũng trong Mục: Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nên được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung chủ yếu dưới đây:
Mở rộng diện có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức đang công tác. Đối với tài khoản tiền gửi ở nước ngoài, cần bổ sung quy định về việc kê khai số dư tài khoản đến thời điểm lập bản kê khai. Bản kê khai tài sản phải được công khai hóa tại nơi cán bộ, công chức, viên chức đang công tác và nơi họ cư trú để thẩm định. Đây là giải pháp tăng cường sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát hiện những cán bộ, công chức, viên chức giàu lên nhanh chóng một cách bất thường. Người kê khai tài sản, thu nhập phải chứng minh nguồn gốc tài sản, nếu không chứng minh được, tùy mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo đến buộc thôi việc. Tài sản, không giải trình được nguồn gốc hợp pháp, tài sản bất minh, tài sản phát hiện ngoài bản kê khai phải được tịch thu theo quy định, trường hợp có dấu hiệu hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Công tác kê khai tài sản, thu nhập phải gắn với việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Người đứng đầu các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và kiên quyết đấu tranh với hành vi không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức để họ hiểu việc kê khai tài sản, thu nhập không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của họ.
Chiến Hữu - Văn Chính