Sự kiện này khiến người ta liên tưởng đến vốn di sản ẩm thực thâm sâu và đồ sộ của Huế. Đến mức, cách đây 3 năm, tại hội thảo quốc tế lớn được tổ chức, đặt ra vấn đề tìm thương hiệu cho du lịch Huế, cái tên ẩm thực được nhiều chuyên gia lưu tâm. Ẩm thực, dưới con mắt giới chuyên môn chính là một giá trị khác biệt, tiềm tàng với nhiều vỉa tầng vô tận cho khai thác du lịch, cả ẩm thực chay, ẩm thực trong dân gian và đặc biệt là ẩm thực cung đình gắn với lịch sử hàng trăm năm của triều Nguyễn.
Cũng về ẩm thực Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho hay, cách đây 60 - 70 năm, nấu món ăn theo lối Huế đã được cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc dạy cho nữ sinh Đồng Khánh. Có những cuốn sách của cô Cúc về ẩm thực Huế từng được xuất bản ở Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ. Ông Xuân khẳng định, nhiều Việt Kiều nói, Việt Nam nghèo nhưng món ăn Việt Nam, đặc biệt là món ăn Huế, đưa ra nước ngoài thì ngang hàng thế giới ngay. Và nếu ai có dịp đến Quận 13 (Paris - Pháp) thì sẽ thấy ngay điều đó.
Nói đến ẩm thực, lại nhớ đến hai chuyến trở về gần đây của nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh. Lớn lên ở Huế, mang ẩm thực Huế đi xa, vô Sài Gòn, sang Đức, qua Nhật, cuối cùng bà lại quay về Huế. Một sự trở về mà trên hành trình nhiều tâm nguyện ấy, bà bảo, có nhiều bí quyết ẩm thực Huế đã mất ngay trên chính cái nôi nó sinh ra. Có những thứ bà phải sưu tầm lại từ Mỹ, Pháp để mang nó trở về lại Huế.
Lần trở về gần đây nhất, tại Festival Huế 2014, nghệ nhân Hoàng Anh đã về tận các miền quê của Huế, để tìm lại những thứ nguyên liệu ẩm thực nguyên gốc bản địa, từ bát chè kê - khoai tía cho đến chiếc bánh ngũ sắc bà đã cất công lần tìm lại kỹ thuật từ các danh gia vọng tộc Huế ở nước ngoài. Bà khao khát: Cùng với ẩm thực, có thể khơi dậy, đánh thức cả một chuỗi dịch vụ, trong đó có những vựa rau củ quả. Một khát vọng trong tầm tay nếu chúng ta có một chiến lược lâu dài, căn cơ cho ẩm thực, xem đó là một ngành công nghiệp không khói cho Huế.
Có lẽ, không quá viễn vông khi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa ra một gợi ý. Rằng nghệ thuật nấu ăn của Pháp đã được ghi vào danh sách di sản văn hóa nhân loại. Tại sao chúng ta không nghĩ đến việc làm hồ sơ cho món ăn Huế trình UNESSCO? Thế nào món ăn Huế cũng được đưa vào “Văn miếu ông táo” của nhân loại.
Có thể có người sẽ còn hoài nghi về một ý tưởng xa cho ẩm thực Huế. Nhưng trước mắt, ít nhất, các món ăn Huế đã lác đác xuất hiện trong các lễ hội, với những liên hoan xen ghép, phụ trợ. Một cách âm thầm, những nhà hàng xưa của Huế hàng chục năm qua đã có mặt trong những cuốn cẩm nang du lịch thế giới trong mỗi ba lô du khách. Mới đây, bún bò Huế cũng đã được vinh danh. Và chưa ai thống kê hiện, ẩm thực Huế, từ gánh bánh canh Nam Phổ, mẹt bánh đúc ở chợ cho đến những nhà hàng bèo - nậm - lọc có tiếng,…đang tạo công ăn việc làm cho biết bao nhiêu người.
Nhưng có lẽ, chừng ấy là chưa đủ. Thậm chí có người đặt câu hỏi: Đà Lạt có một Festival Hoa, Thái Nguyên có một Festival Trà, Nam bộ có một Festival lúa gạo… Tại sao Huế lại chưa có một Festival ẩm thực?. Có người còn lo lắng, nếu chúng ta không có chiến lược sớm, có thể thương hiệu này sẽ có địa phương khác nhanh chân hơn…