Thứ Năm, 24/03/2011 05:25
(GMT+7)
Mười năm nhớ Trịnh…
TTH - Mới đây, tại một diễn đàn về du lịch Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến tên tuổi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với một gợi ý có lẽ đang là nỗi trăn trở của nhiều người. Đó là mười năm qua, với gia tài âm nhạc và tầm ảnh hưởng đối với công chúng, tại khu du lịch Bình Qưới (T.P Hồ Chí Minh) không tuần nào, không tháng nào không tổ chức hát nhạc Trịnh, thu hút hàng ngàn người nghe. Nhưng ngay trên quê hương của ông ở Huế, có nhà thờ họ Trịnh, có ngôi nhà nơi ông từng sáng tác những bản tình ca bất hủ, có đông đảo đồng chí, anh em của ông trong phong trào yêu nước ở đô thị Huế trước 1975…thì không làm được như vậy.
Không hiệu quả được như Bình Qưới, nhưng sau mười năm Trịnh Công Sơn qua đời, Huế là thành phố đầu tiên trong cả nước đã quyết định chọn tên ông để đặt cho một con đường mới mở. Một con đường rất đẹp, nằm cạnh sông Hương và ngay khu khố cổ Gia Hội, đang là đề tài làm nức lòng người Huế…Trong câu chuyện cà phê cóc râm ran của mấy đồng nghiệp, lại có người đề xuất: Sao không hùn tiền mở một quán cà phê Trịnh ngay trên tuyến đường mới ấy. Tổ chức hát nhạc Trịnh, mời cả Khánh Ly về, mời những người thân hữu của ông đến nói chuyện. Bán cả tranh phiên bản Trịnh Công Sơn của họa sĩ Bửu Chỉ, Đinh Cường… Biết đâu, từ con đường Trịnh, sẽ ra một phố Trịnh, thành địa chỉ văn hóa, một thương hiệu du lịch cho Huế… Không ồn ào, người Huế nhớ Trịnh theo cách riêng của họ. Như một nhà nghiên cứu Huế đang chuẩn bị ra mắt tập sách về ông, với tiền thù lao nghe đâu sẽ dành hết để tài trợ cho giải thưởng Trịnh Công Sơn cho các ca sĩ nghiệp dư.
Cũng mới đây, trong một lần làm việc với dịch giả Bửu Ý, nhân chuyện sắp đưa pho tượng Cô gái Việt Nam của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn về Huế, ông nói: Huế là mảnh đất kỳ lạ, đã sản sinh ra những con người như Trịnh Công Sơn, như Điềm Phùng Thị đã đành. Có những người như Lê Thành Nhơn, như Lê Bá Đảng, dù không sinh ra ở Huế nhưng cuối đời, lại chọn Huế làm nơi để “Lá rụng về cội”. Sau hai ngôi nhà nghệ sĩ của họa sư Lê Bá Đảng và cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị đã được đặt ở vị trí sang trọng, con đường Lê Lợi tuyệt đẹp của Huế cũng sẽ là con đường mang dấu ấn Lê Thành Nhơn với ba tác phẩm để đời của ông đã và sẽ được dựng. Theo ông Bửu Ý, đó chính là những gia tài văn hóa vô giá, góp phần làm giàu cho Huế muôn đời sau.
Và giờ đây, trước thềm kỷ niệm mười năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người hâm mộ ông lại càng ao ước: Giá như Huế có thêm một ngôi nhà nữa, một bảo tàng nghệ thuật về Trịnh Công Sơn thì càng toàn vẹn…
Kim Oanh