Thứ Năm, 21/08/2014 03:10
(GMT+7)
Nắm người có tóc
TTH - Trong bối cảnh “vốn thừa, người vay thiếu”, nếu mở rộng được hình thức cho vay không có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẽ thúc đẩy được tín dụng, doanh nghiệp có thêm cơ hội vay vốn.
Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗi niềm: Chúng tôi làm ăn đàng hoàng, đi vay vốn với thiện chí nhưng bao giờ ngân hàng cũng quan tâm vấn đề đầu tiên về tài sản thế chấp... Hầu hết các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế thuộc diện vừa và nhỏ, có bao nhiêu vốn, tài sản là đầu tư vào công ty. Nhiều người phải dùng tài sản cá nhân và tài sản gia đình để bảo lãnh vay vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không khi nào thoát khỏi lưới bủa vây về tài sản đảm bảo của ngân hàng. Không chỉ thế chấp máy móc, nhà xưởng, có khi ngân hàng còn đòi thêm tài sản riêng của ông chủ doanh nghiệp mới tin. Trong khi đó, ngân hàng nào cũng “rao” lãi suất rẻ, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được lãi suất ưu đãi là cả một vấn đề. Các ngân hàng đưa ra một loạt điều kiện nhưng trong mười điều kiện, chỉ có vài điều kiện doanh nghiệp có thể đáp ứng. Các doanh nghiệp thường nói đùa, nếu vay được thì chỉ có... “người nhà của ông ngân hàng”.
Trên thực tế, vẫn có khách hàng tốt được vay vốn không có tài sản đảm bảo. Thay vào đó là cơ chế giám sát, quản lý dòng tiền của ngân hàng. Khi đi vay, khách hàng sẽ phải trả lời bốn câu hỏi cơ bản: Họ là ai? Vay để làm gì? Khả năng tài chính ra sao? Rồi mới đến câu hỏi cuối là tài sản đảm bảo như thế nào? Đó cũng là các điều kiện, nếu điều kiện này thấp thì điều kiện kia phải cao. Nếu trả lời tốt những câu hỏi đầu thì không nhất thiết phải là câu hỏi cuối. Mặt khác, yếu tố “tốt” tự thân cũng đã là một cơ sở khi xem xét cho vay.
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Văn bản 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai một số biện pháp đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Theo đó, cơ quan này đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để đẩy mạnh cho vay tín chấp, tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo. Cũng cần nói thêm, ở nhiều quốc gia, xếp hạng tín nhiệm được coi là “phiếu bảo hành” của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng. Nếu doanh nghiệp được đánh giá tín nhiệm tốt, ngân hàng sẽ yên tâm rót vốn dù không có tài sản thế chấp.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đã “bật đèn xanh” cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay, thẩm định. Vấn đề còn lại là có sự ái ngại khi cho “người không có tóc” vay hay không của các ngân hàng thương mại vốn dĩ bao giờ cũng muốn nắm “đằng chuôi”? Nếu ngân hàng chỉ nhăm nhăm đòi tài sản thế chấp, thiếu chia sẻ với doanh nghiệp khi khó khăn thì e rằng, ngân hàng chưa thực sự tạo điều kiện và gắn kết với doanh nghiệp như những câu slogan có cánh vẫn thường đưa ra.
Bạch Quang