ClockThứ Năm, 12/07/2012 06:33

Ngày tưởng niệm của Huế

TTH - Lịch sử mỗi vùng đất có những ngày không thể nào quên. Với Huế, một trong số đó là một ngày buồn - 23 tháng 5 Ất Dậu (1885), ngày kinh đô thất thủ.

Ký ức chưa dễ phai mờ. Gần 150 năm trước, khi mà cuộc chiến xâm lược Việt Nam của người Pháp đã không còn cân sức. Kinh đô Huế đứng trước nguy cơ rơi vào tay giặc thì cũng là lúc mà quân xâm lược, đứng đầu là tên tướng Roussel De Courcy đã có hành vi láo xược. Chúng ngang ngược yêu cầu triều đình Huế nội trong 3 ngày phải bồi thường chiến phí (?) 200 ngàn thỏi vàng, 200 ngàn thỏi bạc, 200 ngàn quan tiền và yêu cầu cho chúng được mang vũ khí vào cửa Ngọ Môn. Thế là điều gì đến đã phải đến. Một giờ sáng ngày 23 tháng 5 Ất Dậu, quân đội triều đình Huế mở cuộc tấn công vào các trung tâm chỉ huy của quân Pháp ở Toà Khâm, đồn Mang Cá... Do trang bị kém, tổ chức không tốt, bị địch phản công, 9 giờ sáng hôm sau, kinh đô Huế bị thất thủ. Một cuộc tàn sát man rợ xảy ra trong suốt hai ngày đêm. Tính ra, có đến 1.500 quân triều đình và khoảng 7.800 người dân bị thương vong. “Trong các nhà, trên các con đường, dưới những hồ sen, ao cá, đâu đâu cũng có người chết… xác người chồng chất lên nhau từng đống…”. 50 năm sau đó, nhà văn nổi tiếng Ngô Tất Tố đã miêu tả cảnh tượng Huế sau ngày 23 tháng 5.

 

Không quá nhiều nghi lễ, người Huế đã khắc ghi về ngày buồn đáng quên và cũng rất đáng nhớ kia bằng một cách làm rất riêng của mình. Mười năm sau đó, năm 1895, Huế dựng nên miếu âm hồn tưởng niệm ở ngã tư Mai Thúc Loan - Lê Thánh Tôn hiện nay. Vậy nhưng ngay sau khi sự kiện thất thủ kinh đô, người dân đã có hình thức tri ân bằng phong tục cúng 23/5 hằng năm. Từ ngày này đến cuối tháng 5, khắp các gia đình ở Huế đều tổ chức lễ cúng ngay trước ngõ mỗi nhà. Lễ vật là điều khiến ta vô cùng cảm động đến phát khóc khi nó liên quan và rất cần thiết với người chạy loạn: cháo loãng (cháo thánh) để húp nhanh cho đỡ đói, gạo muối (cơm nắm) để làm lương thực đi đường, cùng một ít cây trái, nước trà hay nước chè.

 

Có một nhân vật mà người đời đã không quên khi nhớ về ngày kinh đô thất thủ. Ông là Quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, người mà trong bối cảnh triều đình Huế hoang mang lo sợ đã cương quyết lập trường đánh Pháp bằng cả sự chuẩn bị ráo riết và là kẻ chủ mưu trong cuộc tấn công vào tối 4/7/1885 (22 tháng 5 Ất Dậu). Mưu sự không thành với bao nỗi tang thương nhưng lịch sử không kết tội mà đã tôn vinh ông, trân trọng một tấm lòng và sự hy sinh không hề toan tính vì đại nghĩa dân tộc. Một đền thờ vị Quan Phụ chính đại thần đã được lập và được công nhận di tích lịch sử ngay tại làng Vân Thê (Thuỷ Thanh, Hương Thuỷ), vùng ven đô Huế. Và mới đây, vào dịp cúng âm hồn 23-5 năm thứ 127 ngày thất thủ kinh đô Huế là một chương trình toạ đàm, giới thiệu công trình nghiên cứu về danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết do những người làm báo và nghiên cứu lịch sử địa phương tổ chức, như thắp thêm một nén nhang tưởng niệm ngày buồn và công đức của một con người.

Tôi có một cảm giác về đất trời bàng bạc và con người như đang bước vào cõi hư không khi đi giữa Thành Nội vào dịp tháng 5 Âm lịch, Cố đô bước vào những ngày cúng lễ cô hồn. Có lẽ chẳng có nơi nào trên thế giới lễ cúng âm hồn mà quy mô lại có tính cách toàn dân trong cả thành phố như ở Huế trong ngày 23 tháng 5 Âm lịch. Nhà nhà cúng lễ, người người nguyện cầu. Hoài niệm và day dứt là câu ca đã đi vào lòng người: “Này hương, hoa, vàng, giấy, xôi, rượu/ Gọi chút rằng: Xin nếm lấy hơi/ Xin nếm lấy lòng/ Nghĩa đồng chủng đồng bào/ Thác xem như sống/ Hỡi sinh linh các đấng/ Phù trợ cho Tổ quốc trường tồn/ Ai tai, thượng hưởng!”. Và tôi như nghe trong lời khấn cầu của những gia đình Huế vào dịp này là ước mong và khát vọng về sự bình yên cho mọi nhà. Để rồi, như càng hiểu thêm về tâm hồn và tính cách Huế, thâm trầm và sâu lắng.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top