Trong buổi trưa hè trên này Huế mình ngột ngạt, tôi nhớ cũng chính ở đây không khí mát mẻ và trong lành, lần đầu tiên tôi đã gặp ông bác sĩ Việt kiều Bùi Minh Đức, tác giả cuốn “Tự điển xứ Huế”, cùng ăn những chiếc bánh ú tro và cùng thưởng ngoạn những tác phẩm hoa giấy do chính họa sĩ cất công sáng tạo ra. Nó lạ mà không quá cầu kỳ và nó đẹp mà không thật tốn kém. Chủ nhân là một người kiệm lời, ăn mặc giản dị và có phần khắc khổ, nhưng nhìn vào khu vườn nhà ngập đầy sắc màu hoa giấy của anh, tôi hiểu gã này dám chơi và đã chơi là chơi rất lạ, chơi đến cùng. Thế là, mỗi lần Huế vào hội Festival, tôi lại nhớ tới Huy.
Hôm rồi ở Festival Huế 2014, xem chương trình “Hát với phố xá thênh thang” nơi đường phố Trịnh Công Sơn của mấy o, mấy chị cựu nữ sinh Đồng Khánh và Thành Nội một thời, tôi lại giật mình. Đã ở cái tuổi về hưu, con đàn cháu đống rồi mà lạ chưa, chị em lâu ngày gặp nhau, vẫn tóc xõa ngang vai y chang thuở còn đi học để cùng xênh xang, rộn ràng với những khúc ca một thời xao động của Phạm Duy và Minh Kỳ, của Hoàng Thi Thơ và Phạm Thế Mỹ... Họ xin lập sân khấu và xin được hát là để góp vui cùng Festival Huế. Và nói như ai đó, là “hát để Huế vui lên, đẹp lên trong lễ hội” mà không cần cát-xê cũng chẳng màng chi phải là trên một cái sân khấu hoành tráng. Còn nữa cùng với họ, tôi cũng bắt gặp nơi Festival Huế 2014 này hình ảnh về những sinh viên mỹ thuật Huế bày giá vẽ bên đường phố đi bộ vẽ chân dung du khách hay những “ông đồ Huế trẻ” với nghiên mực, bút lông bên công viên Thương Bạc chăm chút viết chữ tặng khách chơi, làm kỷ niệm.
Đã có bao kẻ, kể cả người Huế nữa cũng tự phàn nàn, không hiểu do cái “chất mệ” đã thấm sâu và trở thành thâm căn cố đế hay sao đó nữa mà người Huế mình thường rụt rè và thụ động trong các cuộc chơi. Họ hay ốt dột nên ngại, xem cái chi cũng chăm chú nhưng mà hòa mình vào thì lại không, lại càng không dám diễn trò giữa đám đông. Thì đây với Festival Huế, con người Huế đã như được lột xác. Trên các nẻo đường Huế dịp Festival, vào các buổi sáng - trưa - chiều - tối thấy rộn ràng là hình ảnh người Huế đi hội. Rồi những lễ hội đường phố lúc chiều tà hay những sân khấu trong Đại Nội, nơi cung An Định hay nhiều nơi khác nữa khi thành phố đã lên đèn cũng đông đầy và chật cứng. Vui nhất là gặp lại mấy mệ, mấy ôn dưới miệt cầu ngói Thanh Toàn trong lễ hội “Chợ quê vào hội”, thấy ít đi rồi sự ngại ngùng, ốt dột ngày nào mà giờ đã dạn dĩ hơn nhiều trong vai diễn tái hiện nét xưa của một chợ quê để vui cùng khách lạ là bao kẻ tò mò.
Cũng như nhiều người, tôi như đã nhận ra rồi, thay đổi đó có được bắt đầu từ những sân chơi mở ra trong Festival Huế, đặc biệt là sân chơi hưởng ứng, được gọi theo công nghệ Tây là “chương trình Off - không bán vé”. Rồi nữa mưa lâu thấm đất, nó đã khơi dậy, làm thức tỉnh sự ham chơi, thích chơi và khả năng bày trò và chơi đầy sáng tạo, độc đáo của những con người Huế mà họa sĩ Thân Văn Huy là một minh chứng.