Thứ Năm, 03/12/2015 13:26
(GMT+7)
Nguyễn Du và xứ Huế
TTH - Cả nước đang trong những ngày cao điểm kỷ niệm 250 năm sinh nhật Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Cùng với Hà Tĩnh là nơi chôn nhau cắt rốn, Thừa Thiên Huế tự hào là một trong những vùng đất còn lưu lại nhiều dấu tích về tác giả Truyện Kiều.
Năm 1793 khi anh ruột Nguyễn Nễ được điều vào làm quan ở Phú Xuân, Nguyễn Du lần đầu tiên trong cuộc đời đã khăn gói vượt đèo Ngang vào chơi với anh trai mấy tháng nơi xứ kinh kỳ. Để rồi như một cơ duyên, 12 năm sau, tức vào năm 1805, sau mấy năm nhậm chức tri huyện ở huyện Phù Dung (Hưng Yên) và tri phủ ở Thường Tín (Hà Nội), Nguyễn Du được vua Gia Long mời vào làm việc ở kinh đô Phú Xuân với chức vụ Đông Các đại học sĩ cho đến năm 1809 thì chuyển ra Quảng Bình giữ chức Cai bạ. Năm năm sau đó, sau chuyến đi sứ Trung Quốc về, Nguyễn Du tiếp tục được vua Gia Long đặc phong Hữu Tham tri Bộ Lễ vào cuối năm 1814. Nguyễn Du đã sống ở Huế từ đó cho đến khi mất vì dịch bệnh vào năm 1820.
Từ những sáng tác cũng như những tư liệu khảo sát, người đời đã có những phỏng đoán về nơi ở của Nguyễn Du trong quãng thời gian sinh sống và làm việc tại Huế. Theo đó thời kỳ đầu, Nguyễn Du có khả năng tạm trú ở ngôi nhà công, mái tranh vách đất nằm trên trục đường Mai Thúc Loan hiện nay, gần sát với cửa Đông Ba. Còn giai đoạn sau đó, có thể là ngôi nhà trong phủ An Hiên hay nằm quanh trong khu vực phủ An Hiên thuộc phường Kim Long nay. Cũng đã có ý kiến cho rằng, Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều ngay tại xứ Huế. Chính chuyến đi sứ giúp Nguyễn Du tiếp cận với “Đoạn trường tân thanh” và tận mắt mục sở thị con sông Tiền Đường cùng những địa danh trên đất Trung Hoa được Thanh Tâm Tài Nhân ghi lại trong tác phẩm của mình, để rồi với những trải nghiệm sâu sắc, đại danh hào nước Việt đã sáng tạo nên Truyện Kiều bất hủ. Nguyễn Du đã mất ở Huế. Trước khi được chuyển về quê hương, mộ phần của Nguyễn Du được chôn cất ở phía tây bắc kinh thành, nơi vùng đồi núi bao quanh cánh đồng Bàu Đá thuộc phường Kim Long, TP Huế.
Hành trình đến với thành phố Hàng Châu xinh đẹp, hướng dẫn viên du lịch Trung Quốc không quên giới thiệu về con sông Tiền Đường cho khách Việt. Và, cũng đã có biết bao du khách Việt xốn xang khi “Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường”. Với nhiều người, con sông Tiền Đường trên đất nước Trung Hoa này đã trở nên gần gũi và thân thương bởi nó gắn liền với nàng Kiều và Nguyễn Du. Sông Tiền Đường là nơi Thúy Kiều gieo mình tự vẫn sau cái chết đau đớn của Từ Hải. Và rồi, trong lễ kỷ niệm 250 ngày sinh Nguyễn Du, nhiều người đã nghĩ đến Huế, nơi ghi dấu một thời bóng dáng danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam và đứa con tinh thần của ông là Truyện Kiều. Đọc những câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” cứ mường tượng về những khu nghĩa địa mênh mông nơi phía tây thành Huế trong tiết trời sang xuân. Lại nghĩ, dấu xưa phai mờ nhưng vẫn còn bàng bạc đâu đó, vậy mà sao đến tận bây chừ Nguyễn Du vẫn cứ xa lạ với du lịch và với Huế yêu thương!
Đan Duy