Kế thừa truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước ta, những người làm báo Việt Nam luôn luôn xứng đáng là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, góp phần cổ vũ toàn dân, toàn quân ta nêu cao ý thức tự lực tự cường, giành lại và giữ vững nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.
Báo giới Việt Nam là một trong những lực lượng đi đầu ủng hộ các nhân tố mới, góp phần có ý nghĩa vào việc hình thành và thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh những nhà báo từng trải trong cuộc đời chiến đấu và già dặn trong nghề nghiệp vẫn tiếp tục phát huy, đội ngũ những nhà báo trẻ ngày càng đông đảo, được đào tạo có nền nếp, có kiến thức rộng, có một số đã trưởng thành, khẳng định vị trí của mình trong làng báo cách mạng. Những người làm báo Việt Nam là đội ngũ tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta đang đứng trước thời cơ và thách thức lớn. Đội ngũ những người làm báo nước ta đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau xây dựng nền báo chí Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ, vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, phấn đấu cho mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Làm báo là một nghề, nhưng là một nghề đặc biệt, mang tính chất một hoạt động chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và hành vi con người. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, và giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn, có tư duy sắc bén, có vốn sống phong phú và phương pháp khoa học.
Những người làm báo có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phải lựa chọn, xử lý thông tin nhanh chóng, trung thực, chính xác, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của công chúng, đúng định hướng của Đảng, tác động tích cực, có hiệu quả đến tiến bộ xã hội.
Nhà báo phải am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật cả trong cuộc sống cũng như trong hoạt động báo chí của mình. Trên thực tế, nhiều nhà báo đã nêu gương tốt trong việc thi hành pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các tác phẩm báo chí của mình. Nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn phải luôn luôn tâm niệm mình phục vụ ai, viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào, như Bác Hồ kính yêu đã từng dạy. Một tác phẩm báo chí chỉ có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết tác phẩm đó đã đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra, với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, với sự đầu tư trí tuệ của tác giả bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, có ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nó. Nghĩa vụ công dân của nhà báo đòi hỏi họ bên cạnh việc biểu dương những người tốt, việc tốt, những nhân tố mới, không sợ gian khổ, hiểm nguy trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, góp phần làm trong sạch bộ máy đảng và chính quyền các cấp, thực hiện dân chủ hóa xã hội gắn liền với việc thiết lập trật tự kỷ cương phép nước, được đông đảo cán bộ, nhân dân ghi nhận và hoan nghênh.
Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng là những phẩm chất hàng đầu của nhà báo, nhưng vẫn chưa đủ, nếu như không có năng lực nghề nghiệp. Năng lực nghề nghiệp của nhà báo quyết định như thế nào đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, nhưng đồng thời đúng định hướng chính trị. Độ nhạy bén của nghề nghiệp, nói chính xác hơn là độ nhạy bén chính trị của nhà báo, đòi hỏi nhà báo phải “bắt” được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp, có hiệu quả. Một hiện tượng tiêu cực trong xã hội là đáng bị lên án, nhưng vấn đề là ở chỗ, nếu thông tin vào thời điểm không thích hợp, hoặc thông tin quá liều lượng cần thiết, thì chẳng những không có tác dụng giáo dục, trái lại, làm cho tình hình ở cơ sở ấy càng thêm trầm trọng hơn. Đấu tranh chống tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội là cần thiết, nhưng đấu tranh, phê phán như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất, mà vẫn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, không gây hoang mang trong dư luận? Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi nhà báo cần nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề, xử lý thông tin chuẩn xác bằng bản lĩnh chính trị kiên cường, bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng và trình độ chuyên môn vững vàng.
Chất lượng báo chí luôn luôn phải là muc tiêu hàng đầu của người làm báo. Chất lượng toàn diện bao gồm chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, khoa học, chất lượng nghề nghiệp cần thể hiện rõ trong mỗi bài báo, mỗi ấn phẩm báo chí, để cuối cùng đạt tới là Đúng, Hay, Đẹp và Hiệu quả xã hội ngày càng cao.
Chất lượng báo chí trước hết thể hiện ở chất lượng những người làm báo. Mỗi nhà báo cần tâm niệm hằng ngày để sáng tạo những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống, đáp ứng đúng, trúng và hay những nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, góp sức và cổ vũ có hiệu quả các phong trào hành động cách mạng trong cả nước.
Chia sẻ và cảm thông trước những khó khăn do đặc thù của nghề làm báo, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trân trọng từng sản phẩm báo chí được tạo dựng từ thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đòi hỏi rất cao những người làm báo không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ hiểu biết về văn hóa, khoa học và nghiệp vụ, chuyên môn, nhất là kiến thức về kinh tế.