ClockThứ Năm, 30/10/2014 10:44

Nơi cuối sông Truồi

TTH - Sông Truồi là một trong 10 con sông lớn và cũng là điển hình về hình ảnh một dòng sông xứ Huế. Từ thượng nguồn về đến hạ lưu, chưa tới 25 cây số, hành trình xuôi dòng chỉ vẻn vẹn vài tiếng đồng hồ là có thể cảm nhận được đầy đủ về sông Truồi. Tuy nhiên không vì thế mà sông này mất đi vẻ đa dạng sinh thái. Có thể thấy rõ được sự hùng vĩ ở phía thượng lưu với núi rừng trùng điệp. Rồi những vùng đất sông Truồi đi qua, bên này là tổng Lương Điền xưa và xã Lộc Điền nay, còn bên kia là tổng An Nông với Lộc An hôm nay là hình ảnh về những con đường làng quanh co, rợp bóng cây xanh với những vườn cây ăn quả nổi tiếng, nào dâu, nào mít, nào chè; về những cánh đồng bời bời lúa tốt. 

Lần đầu về tới hạ lưu sông Truồi trong một buổi trưa ngày đông có nắng hanh vàng, tôi bị bất ngờ bởi cảnh trí thiên nhiên nơi đây. Phía trước là đầm Cầu Hai mênh mông sóng nước. Nhìn ngược lại về phía sau thấy thấp thoáng cảnh núi đồi trùng điệp của rặng Trường Sơn ăn ra tận biển, nơi phát nguồn của dòng sông Truồi, còn có một tên gọi khác là Hưng Bình. Con sông Truồi trước khi kết thúc hành trình của mình để nhập vào đầm Cầu Hai đã kịp để lại những cánh đồng lúa mênh mông và cả những xóm làng yêu thương, đẹp như bức tranh vẽ.

Nơi vùng hạ lưu, dưới này nhìn lên, Bàn Môn ở bên kia sông là một ngôi làng như thế. Các nhà nghiên cứu sử học khảo sát lộ trình hình thành các làng xã ở Huế cho rằng, khi mà xưa kia rừng núi hiểm trở, cư dân Việt từ phía bắc vào khai phá Thuận Hóa đã đi theo những tuyến đường sông để đến với các vùng đất mới. Rồi cứ thế họ đi dần lên phía trên cao, ngược lại với dòng chảy của những con sông Huế. Thế nhưng với con sông Truồi, ngay từ đầu, lớp cư dân từ Bắc vào cách nay hơn 500 năm ngay lập tức bị chinh phục bởi vùng đất ở ngay đầu cửa sông này. Làng Bàn Môn ra đời và cái tên Bàn Môn được hiểu là “cửa khẩu quy tụ phù sa của sông suối, sình lầy của đầm phá, giữ lại đất màu mỡ, bồi trúc thành ruộng đất phì nhiêu”.
Đâu chỉ là một làng quê đẹp và trù phú, là nơi “đất lành chim đậu”, Bàn Môn còn nổi tiếng là vùng đất của “địa linh nhân kiệt”. Thời Nguyễn, làng có ông Hoàng Văn Diễn là quan đầu triều Gia Long. Sau đó là ông Trần Đình Trúc làm đến quan Thượng thư. Còn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Bàn Môn là quê hương của các cụ Hoàng Đức Trạch, Lê Bá Dị, những lão thành cách mạng của Thừa Thiên Huế và đặc biệt là đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước. Ít có vùng đất nào ở Huế lại có nhiều người tài đến thế như làng Bàn Môn, ở nơi cuối sông Truồi này.
Không giống bao con sông khác, sông Truồi không chảy ra biển, ra phá mà lại đổ vào đầm. Đầm Cầu Hai nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như một vũng kín, một hồ chứa đã chắt lọc giữ lại những gì mà dòng sông mang theo, không vội vã và ồn ào để mọi thứ tuôn ra biển lớn. Bởi thế ngay gần ở cửa sông mà dòng nước không quá bị nhiễm mặn để có thể tạo nên những cánh đồng lúa tốt tươi. Và rồi, hình thành nên cái thế đa dạng về kinh tế: nông nghiệp - ngư nghiệp và tương lai là cả du lịch nữa. Còn nữa là một điều gì đó khó lý giải và rạch ròi khi nghĩ đến làng quê Bàn Môn với thế đất và với những con người sinh ra và lớn lên ở đây.
Hôm về nơi tận cuối sông Truồi, tôi đã băng đồng lội ruộng ghé thăm cụm hầm bí mật thuộc vùng căn cứ lõm của Huyện ủy Phú Lộc từ năm 1955 đến năm 1975 ở làng Miêu Nha. Nơi ngã ba con sông Truồi chuẩn bị đổ vào đầm Cầu Hai, giữa cánh đồng làng nổi lên những cồn nhỏ được bao bọc bởi hàng tre giáo. Một trong số kia có đình làng Miêu Nha là nơi có nhiều căn hầm bí mật của các đồng chí lãnh đạo huyện Phú Lộc bám trụ chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương trong chiến tranh. Giữa sông nước mênh mông mới thấy những hy sinh và gian khổ mà cha anh đồng chí chịu đựng năm nào là lớn biết bao. Cái thế đất, thế sông thật kỳ lạ đã như một sự che chở cho những chiến sĩ cách mạng trong những tháng ngày gian lao và khốc liệt. Và rồi, đã mấy chục năm trôi qua, dấu vết xưa cũng đã nhiều phôi pha, nhưng cũng như bao người, tôi như có thêm cảm nhận mới để thêm yêu thương và trân trọng con sông Truồi ở nơi cuối nguồn này.
Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top