ClockThứ Tư, 10/11/2010 22:59

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

TTH - Thông tin mới nhất từ Cục Thú y cho hay, dịch lợn tai xanh vẫn đang tồn tại và lây lan ở 9 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số lợn mắc bệnh trên 33.502 con; trong đó, có 13.528 con đã chết và bị tiêu huỷ. Hiện, tốc độ dịch lây lan nhanh và diễn biến phức tạp; có khả năng sẽ xuất hiện tại nhiều địa phương trong đó có Thừa Thiên Huế. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm, thuỷ sản, các Sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã Hương Thuỷ và TP Huế phải thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh về phòng, chống dịch tai xanh ở lợn. Cùng với những đe doạ của thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) là một nguy cơ gây hại đối với người chăn nuôi, an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và sự phát triển của nền kinh tế xã hội nói chung.

Số liệu thống kê cho hay, nguồn thu từ chăn nuôi chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của nông dân. Với các hộ chăn nuôi theo qui mô trang trại, gia trại thì đó là một gia sản lớn. Do vậy bảo vệ an toàn đàn GSGC là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân phát triển bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, sau đợt dịch cúm gia cầm hồi năm 2003, năm 2007 và đầu năm 2008 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch lở mồm long móng; đặc biệt là dịch lợn tai xanh gây thiệt hại khá nặng nề. Hơn 20.000 con lợn phải tiêu huỷ, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn cả về sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm. Trước thực trạng trên, ngành thú y, cùng các cơ quan chức năng đã tham mưu với lãnh đạo tỉnh nhằm từng bước xã hội hoá hoạt động thú y để chủ động trong công tác phòng chống dịch và đã mạng lại hiệu quả thiết thực.

Đến nay, mạng lưới thú y đã hình thành từ tỉnh đến các xã với trên 600 người và được Cục Thú y đánh giá là 1 trong những địa phương có mạng lưới mạnh của cả nước. Dù chỉ được hưởng một phần trợ cấp từ ngân sách, nhưng lực lượng thú y cơ sở đã gắn bó và đóng góp tích cực trong công tác phòng chống dịch. Các loại vật tư và thiết bị phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch như máy bơm, xi-ranh tự động, các loại vắc-xin được trang cấp kịp thời. Ngoài ra, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư qui hoạch và xây dựng 36 điểm giết mổ GSGC tập trung tại các địa phương đã tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm soát giết mổ trên địa bàn. Đặc biệt, nhận thức của người chăn nuôi được nâng lên một bước là nền tảng quan trọng trong việc xã hội hoá công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.
 
Với những thuận lợi trên, những năm qua, ngành thú y tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và chủ động trong công tác phòng chống dịch trên 3 lĩnh vực: tiêm phòng vắc xin, vệ sinh phòng dịch và kiểm dịch. Theo phương châm “đến tận nhà, rà tận chuồng”, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin GSGC các loại thường đạt từ 85-90% tổng đàn. Công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi, các điểm kinh doanh, giết mổ GSGC và tại các ổ dịch cũ được đặc biệt quan tâm; đồng thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập GSGC vào hoặc vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh... Nhờ vậy, hơn 2 năm trở lại đây, trong bối cảnh dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và đặc biệt là dịch lợn tai xanh diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi ở 37 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các địa phương lân cận như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng... thì trên phạm vi Thừa Thiên Huế đàn GSGC vẫn được bảo vệ an toàn.
 
Thành công của ngành thú y và các cấp, các ngành, các địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh GSGC thời gian qua là đáng ghi nhận. Hy vọng ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” được ngành thú y và các cơ quan chức năng cùng người chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt hơn trước những diễn biến mới của dịch bệnh GSGC.
 
Hoàng Thành
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top