Theo điều tra và nghiên cứu của hai tác giả Võ Thanh Thu và Nguyễn Đông Phong (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh), kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong năm 2013 đạt gần 18 tỷ USD nhưng nhập khẩu đã ở trên 14 tỷ USD và 50% trong số này đến từ Trung Quốc. Những con số đáng chú ý khác: trong năm 2012, ngành dệt may có nhu cầu sử dụng 6,8 tỷ mét vải trong khi tổng sản lượng vải trong nước chỉ đảm bảo được ở con số lẻ, nghĩa là phải nhập khẩu 6 tỷ mét, tương đương 88%. Tại Quy hoạch phát triển ngành dệt may đến 2015 và định hướng 2020 được xây dựng từ năm 2008, tỷ lệ nội địa hoá được đặt ra là việc cung ứng nguyên phụ liệu bông, sợi, vải sản xuất trong nước phải đạt 50% (2010) lên 60% (2015) và 70% năm 2020. Thế nhưng cũng trong năm 2012, Việt Nam vẫn phải nhập 415.000 tấn bông, chiếm 99%. Năm 2014, ngành dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, hàng xuất khẩu của nhóm chủ lực, trong đó có dệt may tăng từ 14,4% đến 25% nhưng nhập khẩu phụ liệu cũng đã ở mức trên dưới 20%. Toàn ngành mới chủ động được khoảng 50% nguyên phụ liệu ở trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
Không nằm ngoài những khó khăn này, dệt may Thừa Thiên Huế đang đối mặt với những chi phí lớn do những khoảng trống chưa được lấp về nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của dệt may là 422,54 triệu USD và 315,56 triệu USD là kim ngạch nhập khẩu. Giữa hai con số này là các khoản chi phi khác và phần được thụ hưởng của hơn 2 vạn lao động trên địa bàn.
Mất cân đối và dễ bị tổn thương do chủ yếu là may gia công, lại phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu; giá trị ngày công lao động không cao, dẫn đến thu nhập thấp; nguồn lao động giữa các khu công nghiệp trong và ngoài các địa phương vẫn đang có biến động do cạnh tranh và những sức hút nội tại...Chính vì thế, tăng cường phát triển công nghiệp phụ trợ, lựa chọn thị trường phù hợp, gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp thiết kế và thời trang cũng như ban hành một số chính sách ưu đãi cụ thể… để phát triển ổn định và bền vững là điều mà Chính sách phát triển công nghệ hỗ trợ (trong đó có dệt may) mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành hướng đến. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để mỗi đơn vị trong ngành hoạch định sự tồn tại và phát triển của chính mình. Nói một cách khác đi, dù là công nghiệp phụ trợ nhưng đây cũng chính là xương sống cho sự trụ hạng và có “thẳng lưng” được hay không đối với công nghiệp dệt may.
Tuy nhiên, phát triển không có nghĩa là bỏ qua tất cả. Những tác động về mặt môi trường chính là những yếu tố cần được tính đến một cách thận trọng, cho lâu dài, nhất là đối với những tác động từ nhuộm, giặt, hấp… Đây cũng là điều mà các địa phương rất đỗi e dè khi tiếp nhận dự án. Một hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các quy trình vận hành hiện đại và khép kín chính là những đối trọng khi đầu tư vào công nghệ phụ trợ này. Và điều đó cũng không phải là riêng với Thừa Thiên Huế.