Nhân chuyện về khe, tôi lại liên tưởng đến suối. Lâu này ta cứ quen dùng chung một từ khe suối, nhưng thế nào là khe, khi mô là suối thì cỡ như tôi đây xem chừng lại bí. Phải nhờ tới từ điển mới tỏ tường. Theo đó, thì suối được hiểu là “dòng nước tự nhiên ở miền đồi núi, chảy thường xuyên hoặc theo mùa, do nước mưa hoặc nước ngầm chảy ra ngoài mặt đất tạo nên”. Còn khe đơn giản là “đường nước hẹp chảy giữa hai vách núi hoặc sườn dốc, có thể khô cạn theo mùa” (google). Thế đó, khe khác suối và ở vùng giáp ranh gò đồi Phú Sơn có nhiều đồi cao và dốc lớn, kiểu như Mỏ Tàu, độn Phèn, độn Hoàng… trùng điệp nên có nhiều khe cũng phải. Nó tạo nên một nét riêng, mang tính đặc trưng và giàu bản sắc cho vùng đất. Từ khe là dòng nước đã hình thành nên loại hình ruộng khe (còn gọi là sơn điền), hay cả thứ cá khe nữa. Hôm rồi ngồi chuyện trò với anh Nguyễn Trần Hào, cán bộ xã Phú Sơn có mặt ở vùng đất này từ những ngày đầu giải phóng, nghe anh kể đến chuyện xưa đi bắt cá ở khe Sòng mà thèm đến ngứa ngáy tay chân. Nhiều vô kể lại thịt chắc và thơm ngon. Chỉ cần vài chục cần câu cắm đi một buổi là mang về cả bao cát ê hề, toàn những thứ hảo hạng như cá tràu, cá trê… Cần câu cặm xuống chỉ mới cặm thêm dăm ba cái nữa là đã nghe tiếng “quẫy” của cá cắm câu.
Từ Phú Sơn nhìn rộng ra thì lại càng rõ, Thừa Thiên Huế mình có thế nằm nghiêng từ tây sang đông, địa hình lắm núi cao dốc lớn nên có nhiều khe và nếu có gọi là “xứ khe” thì cũng chẳng có chi quá đáng. Nhiều trong số đó đã nổi tiếng vì nhiều lý do khác nhau, có thể kể ra ở đây, như khe Thai, khe Trái, khe Mạ, khe Trăn và nữa, cả con khe nghe tên đã thấy giật mình: khe Điên. Lại nghĩ về tên gọi của các con khe ở Thừa Thiên Huế, nhìn chung nó mộc mạc và dân dã. Ví như có cái tên khe Tre Giáo là do ở đó có rất nhiều loại cây tre giáo mọc ven bờ. Hay như khe Lụ, tiếng Huế mình phát âm dấu ngã thành dấu nặng, thế nên “lũ” thành “lụ”. Khe Lụ cũng tức là khe Lũ. Người dân ở đây kể với tôi rằng, trước kia chỉ cần một trận mưa lớn là khu vực này úng ngập do nước lên nhanh và chảy xiết, sợ lắm. Cái tên “Lụ” là bởi thế. Cũng nhân chuyện lũ khe và lụt khe, nhớ cách hơn 5 năm, tôi cùng nhóm bạn tham gia trồng rừng ở khe Thai. Mỗi lần có dịp lên thăm thợ trồng rừng, từ dưới này tôi phải vượt bao dốc cao và con khe Thai đáng sợ. Buổi sáng, khe Thai chỉ là dòng nước nhỏ róc rách. Mùa hè ở vùng đồi hay mưa vào buổi chiều. Thế nên, vừa mới ăn trưa xong thấy mây đen lấp ló là đã phải vội vàng qua khe trở về. Kinh nghiệm cho thấy, nếu chậm mưa ập tới, chỉ cần một hai tiếng đồng hồ thì khe Thai sẽ như một con thác khổng lồ và dữ dội, có thể cuốn phăng đi mọi thứ. Lúc đó, mọi sự mạo hiểm đều đồng nghĩa với những rủi ro không thể lường hết.
Thế nên tôi cũng đã cảm nhận ra rồi, không chỉ có nhiều mà khe ở xứ Thừa Thiên Huế còn mang tới những sắc thái rất lạ, nhất là vào những ngày hè như hôm nay. Trong tôi, nó là hình ảnh của con khe Thai, khe Lụ hiền hòa bỗng chốc trở nên hung dữ, cũng như Thừa Thiên Huế mình mưa nắng, bão lụt là điều khó ai đoán định được.