ClockThứ Năm, 11/10/2012 09:37

Rừng giữa đồng bằng

TTH - Một thời, dân gian gọi đó là lùm - lùm Chánh Đông. Trong kháng Pháp, lùm Chánh Đông là nơi đóng quân của một số đơn vị thuộc Trung đoàn 101 nổi tiếng. Thời đánh Mỹ, đây cũng được các đơn vị bộ đội chọn làm căn cứ. Nhiều cán bộ lãnh đạo của tỉnh, của huyện (nay là thị xã Hương Thuỷ) đã về đây trú ngụ, có khi hàng tháng trời, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở các địa phương phía nam thành phố Huế.

Còn với Hoàng cung Nguyễn trong các sách sử lưu lại thì đó khu rừng có cái tên thật sang trọng, gợi bao tò mò: Đông Lâm (rừng ở phía đông). Gọi là rừng cũng xứng đáng, chẳng có chi lạ, bởi tuy không thật rộng lớn lắm nhưng do đất tốt, hoang vu, một thời có nhiều loại cây rừng và hoang dại như mưng, bốm, sung, bong bong… sinh sôi và phát triển mạnh nên mang dáng vẻ hoang sơ và quy tụ được nhiều loại chim, cá, thú rừng.

Cái thú điền viên, thích du ngoạn và săn bắn của các bậc vua chúa một thời khiến cho khu lùm đặc biệt và kỳ lạ kia không thoát khỏi “mắt rồng”, nhất là khi sông đào Lợi Nông hoàn thành, con đường kinh lý đưa các đức vua cùng hoàng tộc và cận thần đến với các vùng quê ven đô trong những chuyến đi thư giãn, tìm nguồn cảm hứng lạ. Không quá xa kinh thành Huế để có thể đi về trong ngày bằng thuyền, khu lùm ở làng Thần Phù (Thuỷ Châu- Hương Thuỷ) đã trở thành rừng Đông Lâm, nơi giúp cho những bậc quân vương thoả chí tang bồng với thú vui săn bắn một thời.

Minh Mạng là ông vua Nguyễn đầu tiên đã cho xây dựng ngay tại Đông Lâm một toà hành cung để nghỉ ngơi tại chỗ sau khi đi du ngoạn, săn bắn. Vậy nhưng phải đến thời Thiệu Trị, thì hành cung có tên gọi Thần Phù này mới trở nên bề thế. Còn lưu lại trong ký ức nhiều người về hành cung bao gồm một toà nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương; một toà nhà năm gian xây trên bờ sông có mái lợp ngói liệt; một toà nhà ba gian hai chái, mái lợp tranh và hệ thống hành lang và tường thành bảo vệ.

Cũng chính với vị vua nổi tiếng văn hay chữ tốt là Thiệu Trị đã xếp rừng Đông Lâm là một trong số 20 thắng cảnh của Huế (Thần kinh nhị thập cảnh), đứng bên cạnh những cảnh đẹp tự nhiên nổi tiếng là sông Hương, núi Ngự, biển Thuận An, phá Hà Trung… Hàng trăm năm rồi đi qua nhưng đọc lại bài thơ của vị hoàng đế thứ 3 của triều Nguyễn “Đồng Lâm dực điểu” (Bắn chim ở rừng Đồng Lâm) được khắc vào bia đá và dựng vào năm 1853 tại hành cung Thần Phù khó có thể diễn tả hết cảm xúc chân thật về cánh rừng Đông Lâm ngày nào kỳ vĩ: “Trong rừng ẩn hiện đàn chim về hội tụ/ Dưới khe nối nhau bầy chim nhịch thả mình bơi qua”.

Không còn nhìn thấy nữa Đông Lâm với hình ảnh “rừng vực xanh tươi” mà đã lâu lắm rồi thay vào đó là cảnh xóm làng yên bình ẩn mình bên con sông đào trong xanh và uốn lượn. Vậy nhưng, đến với Chánh Đông hôm nay vẫn lờ mờ cảm nhận về một khu rừng Đông Lâm xưa rất lạ và nổi tiếng, đặc biệt trong sắc chiều tà khi hoàng hôn buông xuống. Nó lạ bởi đó là khu rừng nằm ở vùng đồng bằng bao bọc bởi những xóm làng và những cánh đồng lúa. Và, cũng như những ngôi vườn ở kinh thành, đó là cánh rừng dành riêng cho vui chơi và thư giãn. Bởi vậy, có thể xem đó là sự bổ sung cho nét Huế đa dạng và tuyệt vời.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top