40 năm về trước, lần đầu tiên tôi được đặt chân vào Đại Nội Huế. So với cái xóm nhỏ ven đô của tôi, Đại Nội là một thế giới lạ. Nó không có những dãy nhà cao tầng và đồ sộ như Sài Gòn mà trước đó tôi đã từng sống. Thế nhưng, đặt chân vào nơi đây, tôi có cảm giác như bước vào thế giới của những truyện cổ tích, trang trọng, tôn nghiêm và đầy huyền bí. Nhìn những cung điện và những lầu son gác tía, đầu óc của một đứa trẻ lên mười ham mê lịch sử và văn chương của tôi đã tưởng tượng rất nhiều về cuộc sống của bậc thiên tử, của những ông hoàng bà chúa với những nghi lễ cung đình của một thời đã qua. Di sản cung đình với những gì mà ông cha để lại quá lớn. Nó là sự phân rạch giữa Huế với phần còn lại của đất nước. Nói như ca từ trong một bài hát của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được”.
Lần đầu tiên phát hiện ra Đồng Lâm, một vùng đất nằm sát làng Dạ Lê quê hương, tôi đã có một cảm giác thật lạ và bất ngờ. Nằm ở làng Thần Phù, bên dòng sông Lợi Nông vắng lặng và um tùm cỏ dại, cánh rừng Đông Lâm được biết tới từng là nơi săn bắn của các vị vua Nguyễn đầu triều. Vua Minh mạng đã cho xây dựng một hành cung ở đây để nghỉ ngơi sau những lần đi du ngoạn. Còn vua Thiệu Trị đã chọn Đông Lâm là một trong hai mươi cảnh đẹp của xứ Thần kinh và từng đã có bài thơ nổi tiếng “Đông Lâm dực điểu” (Bắn chim ở rừng Đông Lâm), ca ngợi cảnh trí Đông Lâm. Tôi hiểu, cùng với Đồng Lâm, ở Huế có rất nhiều địa danh hay những gì đó rất bình dị và gần gũi quanh ta, bỗng dưng một ngày kia trở nên huyền hoặc, tôn kính và đáng tự hào hơn khi ta phát hiện ở đó gắn liền với bậc quân vương hay cuộc sống chốn cung đình.
Điều đáng nói là những dấu tích vua chúa xa xưa kia còn lại rất nhiều và như bàng bạc cả trong cuộc sống thường nhật ở Huế hôm nay. Bất chợt nghe lại và bắt gặp khi đi dọc theo bờ sông An Cựu một địa danh “Bến Ngự” gợi nhớ về một bến thuyền xưa, nơi vua Nguyễn xuống thuyền khởi đầu cho một chuyến hành tế Giao đầu xuân. Đi qua những cánh đồng An Cựu đang bị lấp dần để xây dựng những khu đô thị mới, chợt nhớ lại câu ca “Gạo de An Cựu, cá rô bàu Choàng”. Đó là vật sản (gạo de, cá rô) được sản xuất và đánh bắt được dùng để “tiến vua” thuở nào. Nó không lạ, là chuyện “biết rồi nói mãi”, nhưng sao vẫn cảm nhận một điều chi đó linh thiêng, tôn kính và kiêu hãnh.
Không chỉ là những dấu tích kia, người đời hôm nay với những sản phẩm du lịch như cơm cung đình, chè cung đình, trà cung đình… đang cố gắng làm sống lại hình bóng của vua chúa ngày xưa. Vẫn còn những xô bồ hay kiểu “mượn râu hùm làm oai”. Thế nhưng, cứ thử tưởng tượng, một lần đến Huế, kính viếng hoàng thành và thăm lại những dấu tích còn lại của những bậc vua chúa và quan lại xưa, ai mà chẳng tò mò, muốn một lần thử cho biết những vật phẩm ăn uống một thời của bậc quân vương ngay trên “xứ sở của vua”. Tôi nghĩ, chỉ có được cái cảm giác tuyệt vời kia trên đất Việt này duy nhất ở Huế.