ClockThứ Tư, 19/09/2012 16:43

Sản vật quê ngoại

TTH - Vào tầm này trong năm, khi Huế bắt đầu vào mùa mưa, tôi lại nhớ đến trái măng cụt. Không như những nơi khác, măng cụt Huế bắt đầu ra hoa từ tháng 8 âm lịch, đến tháng 11 thì kết trái và kéo dài đến tận tháng Chạp. Ít có loại cây trái nào “mang nặng đẻ đau” đến vậy.

Hiền vương Nguyễn Phúc Tần mở đất tới Mỹ Tho, Gia Định đã trên 350 năm và Kim Long trở thành thủ phủ xứ Đàng Trong ngót nghét ngần ấy thời gian, rồi vua Gia Long lên ngôi và Huế trở thành kinh đô của nước Việt nhận sản vật hai miền cung tiến cũng hơn 200 năm, vậy mà người đời vẫn cứ tương truyền về giống măng cụt thơm ngon kia là do công lao của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị mang từ quê nhà ra. Ở Huế, măng cụt còn được gọi một cách đài các là giáng châu, ngụ ý như ngọc từ trời ban xuống. Mà hình như cũng đúng thế. Là cây trái lâu năm chỉ trồng được ở Nam Bộ, lạ thay ra Huế mình lại mang một hương vị đặc biệt chẳng nơi nào có được. Măng cụt Huế trái nho nhỏ lại xinh xinh và có vị ngọt thanh khiết, êm dịu của những cơn mưa thu nhè nhẹ.

Nam Bộ là đất mới với công đầu mở cõi thuộc về chúa Nguyễn. Nam Bộ cũng là đất đứng chân của Nguyễn Ánh trong cuộc chiến đoạt lại giang sơn với Quang Trung- Nguyễn Huệ. Vậy nên, cũng chẳng có chi lạ khi lập nên triều Nguyễn, ở kinh đô Huế đã quy tụ nhiều văn thần, võ tướng và cả rất nhiều hoàng hậu, cung nữ bổn quán phương Nam. Nghi Thiên Chương hoàng hậu Phạm Thị Hằng (bà Từ Dũ) và sau này Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại) quê ở Gò Công là những “tượng đài”. Có lẽ, từ trong sâu thẳm của những người con xa xứ đang thành danh nơi đất kinh thành, quê hương Nam Bộ là tuổi thơ, là nỗi nhớ và hoài niệm của một thời. Và rồi, bên cạnh những sinh hoạt, tổ chức hội quán, gặp gỡ vào các dịp lễ tết, thậm chí còn hình thành nên những thiết chế văn hoá như Nam Châu hội quán hay làng Nam Trung (làng của những người ở phía nam phục vụ triều đình định cư ở miền Trung), những người Nam Bộ còn mang theo ra Huế những sản vật quê hương như một sự khẳng định gốc gác, một sự khuây khoả, khoả lấp và dịu vợi bao nỗi nhớ thương quê nhà.

Lại cũng là chuyện có quan hệ đến bà Từ Dũ nổi tiếng. Lần này gắn liền với một món ăn đã trở thành thương hiệu của Huế là đặc sản mắm tôm. Người ta bảo, mắm tôm Huế là phiên bản của loại mắm tép Gò Công và do chính tay bà Từ Dũ cải biến mà thành. Tép ở Nam Bộ cũng là tôm xứ Huế mình, chẳng qua chỉ là cách gọi khác nhau. Còn nữa, mắm ở miền Nam mang một ý nghĩa khác hơn mắm nói chung khi không còn là loại nước chấm nữa, mà là những sản vật địa phương được cất ủ để dùng lâu ngày. Nó rất phù hợp với vùng đất ê hề tôm cá và cuộc sống khẩn hoang, rày đây mai đó, xa chợ đò và luôn ở sâu nơi đầm rú của người dân phương Nam. Trong các món mắm ấy, mắm tép chua Gò Công đứng vào hàng đỉnh. Nó được làm từ con tôm đất nước lợ ở cái xứ có câu ca dao buồn da diết: “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng”.

Tôi đã liên tưởng đến xứ Huế trong những đêm mưa dầm dề. Nơi cung vắng, bà Hoàng Từ Dũ không ngủ được, đã thao thức một nỗi nhớ quê, nhớ một tuổi thơ đẹp với bóng hình sông nước, với bao trò chơi dân dã và những món ăn để đời. Và rồi, sự nhập tâm, khéo léo đến độ tinh tế, bà Hoàng kia đã biết “gạn đục khơi trong”, nâng tầm món ăn dân dã phương Nam vốn ít chuộng hương sắc thành món tôm xứ Huế, để cho đến tận 200 năm sau đó, người Sài Gòn ra Huế lại không thể thiếu món mắm tôm của “bà cô” danh giá xứ Thần kinh làm quà cho bè bạn, như để khẳng định một điều, rằng mình vừa đến Huế. Còn tôi, khi viết bài này lại nghĩ đến một hương vị và sắc màu lạ của Huế. Nó đến từ những sản vật Huế có nguồn gốc là vùng đất phương Nam, quê ngoại các vị vua Nguyễn.

Đan Duy 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top