Thứ Năm, 14/06/2012 10:47
(GMT+7)
Sao Mai cho Huế
TTH - Vẫn còn đó ở Huế một Học viện Âm nhạc và niềm đam mê lớn của người Huế dành cho tân nhạc. Không khí “Sao Mai - Điểm hẹn - 2012”, cuộc thi âm nhạc hàng đầu hiện nay, hướng đến mục đích phát hiện, đào tạo những ca sĩ triển vọng đang diễn ra sôi động ở Huế là một bằng chứng. Hai năm trước, cũng ở sân chơi lớn này xuất hiện một người Huế là Lương Viết Quang được mệnh danh là “gã trai làng trở thành ca sĩ”. Còn năm nay là một người Huế đã đi xa - Nguyễn Bá Phú Quý, được đánh giá có chất giọng rất lạ và nhiều trải nghiệm.
Nhắc đến hai cái tên hiếm hoi và chuyện thành danh còn khá xa kia cũng là để cảm nhận thêm về một sự khát khao rất Huế. Còn nhớ, trong một bài khảo cứu về âm nhạc Huế tham gia hội thảo “Vai trò của văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hoá Huế- nhìn lại và phát triển” gần đây, nhà văn Bửu Ý đã nhắc đến Tôn Thất Niệm, Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Mộng Hoàng, Hà Thanh, Mộc Lan, cặp song ca Ngọc Cẩm - Nguyễn Hữu Thiết… như những tượng đài của Huế, vùng đất được mệnh danh là một trong những cái nôi và là trung tâm phát triển của nền tân nhạc Việt Nam.
|
Cái tên Lương Viết Quang đã thành danh từ Sao Mai - Điểm hẹn. Ảnh: Internet
|
Ngay từ khi còn trong lứa tuổi học trò, tôi đã được nghe hai ca sĩ Hà Thanh và Thanh Thuý hát với cả sự thích thú và tự hào. Thích thú bởi cái chất giọng hay và rất lạ, không lẩn với ai được của họ. Còn tự hào lại là điều rất rõ, họ là người Huế mình. Ca sĩ gốc bắc Khánh Ly từng bảo “Con gái Huế nói như hát…”. Tôi nhớ có nhà nghiên cứu đã có nhận xét rất hay về Hà Thanh, rằng nữ ca sĩ này sáng giá một thời là nhờ chất giọng Huế trong trẻo và truyền cảm. Và với Thanh Thuý, đó là giọng ca rất Huế, liêu trai và ma mị.
Sân khấu âm nhạc Huế vẫn tiếp tục có những tên tuổi nhưng xem ra cùng với thời gian những tượng đài âm nhạc cho Huế cũng dần phôi phai. Đã mấy chục năm nay, những cái tên Quang Linh, Mỹ Lệ, Long Nhật, Vân Khánh, Ánh Tuyết hay Nhất Sinh vẫn được nhắc đến như những đại diện cho Huế. Thế nhưng, chỉ có 2 trong số đó là Huế “ròng” đang phiêu bạt ở phương xa là Quang Linh và Long Nhật. Cả hai vẫn hát đều, nghe giọng ca cất lên là biết cuả Huế mình nhưng có cảm giác rằng, đó là một thứ Huế bình dân, nếu không muốn gọi là quê mùa.
Người Huế đang chờ đợi ở những ca sĩ Huế với tư cách là đại diện tiêu biểu cho vùng đất văn vật một điều gì đó lớn hơn, hiện đại và sang trọng. Nó có thể bắt đầu từ những cuộc thi như “Sao Mai - Điểm hẹn” hôm nay, cũng như hơn nửa thế kỷ trước cô bé Lục Hà quê ở Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, một nữ sinh Đồng Khánh đến với cuộc thi âm nhạc đầu tiên ở đất Cố đô để rồi sau đó, Huế có được một ca sĩ Hà Thanh với giọng ca rất Huế và sống mãi cùng thời gian.
Đan Duy