ClockThứ Tư, 25/04/2012 21:15

Sơn Chà - đảo Ngọc

TTH - Nổi lên giữa biển khơi, nhìn xa trông tựa như một chiếc chảo úp ngược nên hòn đảo cao 235 mét so với mặt nước biển và rộng chừng 60 ngàn mét vuông này được dân gian gọi tên là Hòn Chảo. Xưa, đây là vùng giáp ranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Tưởng nhớ đến công lao của Huyền Trân Công chúa với cuộc tình lịch sử đã bổ sung cho giang sơn Tổ quốc thêm Thuận Châu, Hoá Châu và “thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân, vua Trần cho gọi là đảo Huyền Trân. Để rồi, mấy trăm năm sau, người anh hùng áo vải Quang Trung, sau khi tung hoành dọc ngang đất nước, một lần dạo chơi qua đây, đã cảm kích bởi sông nước hữu tình quá đẹp mà gọi đó là đảo Ngọc. Thời đầu, nhà Nguyễn gọi là cù lao Hàn. Đến thời vua Minh Mạng ban tặng cho hòn đảo cái tên Ngự Hải Đài. Bước sang thời Pháp thuộc là cái tên Sơn Chà, còn lại cho đến bây giờ.

Hiếm có vùng đất nào lại có nhiều tên gọi như thế. Nó là sự thể hiện cái nhìn của người đời qua bao thế hệ về hòn đảo nhỏ này, vừa mang dấu ấn và những biểu tượng lịch sử về một thời mở cõi, vừa thể hiện cái dáng hình ấn tượng kỳ lạ, địa thế khó nơi nào có được và cũng cho thấy sự hấp dẫn và vẻ đẹp khiến lòng người mê hoặc mà đất trời dành riêng cho đảo Ngọc- Sơn Chà, được hình thành từ phần kéo dài ra biển của dãy núi Hải Vân, một nhánh đâm ngang ra biển của dãy Trường Sơn để rồi từ đó hình thành nên 2 phần là Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, với 2 vùng tiết trời xa lạ.

Lần đầu tiên ra Sơn Chà - đảo Ngọc vào một ngày đầu hè hiếm hoi có tiết trời âm u, tôi vẫn cảm nhận được vẻ đẹp, sự thu hút kỳ lạ về vùng sông nước mênh mang này. Hành trình vượt biển từ Lăng Cô ra đảo vừa đủ thấm mệt và cho ta có được sự trải nghiệm về chuyến đi khám phá vùng đất lạ. Còn đảo nhỏ, như một Thừa Thiên Huế thu lại, có đầy đủ các loại địa hình, từ bãi cát trải dài bao bọc, có những bãi đá sát chồng lên nhau, sừng sững nơi đất trời trải qua bao năm tháng; đến những dãy núi cao, có những con đường lên đỉnh ngoằn ngoèo và vẫn còn lại đó những cánh rừng nguyên sinh cùng lời đồn về các loài động thực vật quý hiếm còn lại. Người ta đã thống kê ở đảo Ngọc - Sơn Chà có đến 144 loài san hô, 135 loài rong biển, 162 loài cá. Và kia, ở trên bờ và núi cao, vẫn còn đó những bầy sơn dương, những con lợn rừng, chú tắc kè xanh đỏ và cả hàng cây điệp vàng hay cây bàng là đỏ… Hèn chi, tâm hồn chiến binh của Nguyễn Huệ - Quang Trung cũng phải xúc động thay. Cảm ơn bậc quân vương đã có một danh xưng đẹp, xứng đáng - đảo Ngọc, dành cho hòn đảo ở phía cực nam của Thừa Thiên Huế.
 

Chèo thuyền thúng đưa khách vào đảo Sơn Chà

 
Ra Sơn Chà - đảo Ngọc, tôi muốn leo lên thật cao ở những ngọn núi. Để rồi, ở nơi đỉnh cao của vùng đất biển khơi, phóng tầm nhìn về tứ phía mà cảm nhận sự bao la, vô tận của biển khơi với điểm dừng nơi gần hơn là Lăng Cô và xa hơn tý nữa là Chân Mây; cảm nhận màu xanh ngút ngàn của núi rừng hùng vĩ Trường Sơn, nơi có một “nàng tiên” Bạch Mã với vẻ đẹp xao động lòng người. Còn nữa, không xa là thành phố bên sông Hàn thấp thoáng. Lại phải cảm ơn thêm một con người nữa, ấy là vị vua Minh Mạng nổi tiếng với tài trị nước, đã ban cho hòn đảo tên gọi Ngự Hải Đài, hiểu nghĩa là đài canh, là vọng gác trên biển. Nó như một bổ sung về một giá trị thực tiễn to lớn đổi với hòn đảo nhỏ này.
 
Còn tôi, lần đầu tiên đặt chân đến Sơn Chà - đảo Ngọc lại mơ về một chuyến đi, một hành trình du lịch bắt đầu buổi sáng bằng con đường ngược lên núi cao Bạch Mã bí hiểm và kỳ ẩn; buổi chiều về thoả thích với những con sóng biển Lăng Cô và khi chiều tà đã bắt đầu buông xuống là hành trình ra với Sơn Chà để tận hưởng và trải nghiệm về một cảm giác chơi vơi nơi biển đảo…
 
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top