Với bờ biển dài trên 3 nghìn km, chạy suốt từ bắc tới nam, Việt Nam là quốc gia mạnh về biển và sẽ làm giàu từ biển; trong đó khai thác, chế biến thuỷ sản là một ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm gần đây, đội tàu cá xa bờ phát triển nhanh chóng cả về số lượng và năng lực đi biển, với trên 22.000 chiếc, trong đó tàu có công suất từ 250 CV trở lên ngày càng nhiều. Riêng tại Thừa Thiên Huế, đội tàu khai thác biển cũng có gần 2 nghìn chiếc; trong đó tàu cá đánh bắt xa bờ khoảng 250 chiếc.Tuy nhiên, thực trạng chung của nghề khai thác xa bờ của nước ta là tàu công suất nhỏ, chủ yếu là tàu vỏ gỗ, trang bị đơn giản, điều kiện an toàn thấp; hậu cần nghề cá yếu... dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao. Với diễn biến phức tạp trên biển gần đây, những điểm yếu của các tàu đánh bắt xa bờ càng bộc lộ rõ, ngư dân luôn bị thiệt thòi trong các cuộc va chạm với tàu vỏ sắt nước ngoài, bị đẩy đuổi khỏi ngư trường truyền thống...
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống ngư dân kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo, Nghị định số 67 có các chính sách mang tính căn cơ hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại, nâng cao giá trị thủy sản, như: chính sách về xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá; chính sách tín dụng; chính sách vay vốn lưu động; chính sách bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt sẵn sàng giúp ngư dân hiện đại hóa tàu cá. Nhiều ngân hàng thương mại cũng sẵn sàng vào cuộc đồng hành cùng ngư dân, như BIDV dành 15.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014-201; Vietcombank dành 1.000 tỷ đồng; Agribank 5.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng...
Có thể nói, nguồn vốn để hỗ trợ ngư dân cải tạo, nâng cấp và đóng mới tàu công suất lớn, vỏ thép là không thiếu. Tuy nhiên, ngư dân cần phải cân nhắc thận trọng về khả năng quản lý, điều hành con tàu và hiệu quả kinh tế trước khi vay vốn đầu tư. Bởi đây không phải là nguồn vốn cho không, từ ngân sách Nhà nước, mà dựa trên quan hệ tín dụng thương mại. Ngư dân và các ngân hàng thương mại làm việc với nhau, tính toán bài toán kinh tế rồi quyết định việc vay, cho vay. Nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt lãi suất, hạn mức vay... Tuy có nhiều ưu đãi về lãi suất (không phải trả lãi suất trong năm đầu từ khi đóng tàu và 1-3% trong các năm tiếp theo), thời gian vay dài (tối đa 11 năm), hạn mức vay cao (từ 70- 95% giá trị đóng mới tàu), nhưng ngư dân vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với quyết định của mình và phải hoàn trả vốn vay. Một thách thức nữa đối với ngư dân khi đóng tàu lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại thì vấn đề quản lý, vận hành con tàu cũng khác rất nhiều so với trước đây. Nếu không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, nắm vững kỹ thuật vận hành các thiết bị hiện đại trong khai thác, bảo quản thuỷ sản thì chưa chắc con tàu sẽ đem lại hiệu quả kinh tế; thậm chí ngược lại, tàu phải nằm bờ, đẩy ngư dân vào vòng nợ nần.
Theo chủ trương của Chính phủ, việc cho vay đóng mới tàu không triển khai ồ ạt, mạnh ai nấy làm, mà phải đảm bảo quy hoạch chung. Bộ NNPTNT xác định số lượng tàu cá đóng mới cho từng khu vực và 28 địa phương có biển không vượt quá 2.079 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần. Như vậy, bình quân mỗi tỉnh chỉ được đóng mới chưa đến 100 tàu các loại; trong khi số lượng ngư dân đăng ký nhiều. Đơn cử, ở Đà Nẵng, Nghị định 67 mới có hiệu lực vài ngày mà có đến 150 hồ sơ đăng ký tham gia vay vốn. Vì vậy, trách nhiệm của các địa phương cần nắm vững tình hình địa bàn, năng lực thực sự của ngư dân trước khi ký duyệt hồ sơ đề nghị ngân hàng cho vay vốn. Khi nguồn vốn đến đúng những ngư dân thực sự có năng lực, không chỉ giúp họ làm giàu cho bản thân, mà còn là chỗ dựa cho ngư dân khác trong quá trình khai thác đánh bắt thuỷ sản. Nếu tổ chức sản xuất hợp lý, kết hợp giữa tàu lớn vỏ sắt với tàu vỏ gỗ công suất nhỏ sẽ giúp ngư dân phát huy các tàu cũ, tránh gánh nặng vay vốn đóng tàu mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, cùng với việc hỗ trợ cho ngư dân hiện đại hoá đội tàu, việc đầu tư phát triển đội tàu hậu cần, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khai thác hải sản gồm các cảng cá, bến cá... là những vấn đề được ưu tiên. Trong đó, tàu dịch vụ hậu cần là yếu tố cơ bản để cho một đội tàu khai thác xa bờ hoạt động hiệu quả. Chỉ cần một chiếc tàu dịch vụ hậu cần hoạt động tốt sẽ hỗ trợ đắc lực và đem lại hiệu quả kinh tế cho hàng chục, hàng trăm tàu đánh bắt xa bờ. Vì vậy, không nhất thiết chỉ tập trung đầu tư cho đội tàu đánh bắt xa bờ, mà tuỳ theo tình hình cụ thể của mỗi địa phương để lựa chọn mục tiêu đầu tư phù hợp; quan tâm đầu tư, xây dựng các cảng cá, cơ sở neo đậu tránh trú bão và phát triển chuỗi sản xuất khép kín từ khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đến khâu tiêu thụ...
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh, sau khi Nghị định 67 được ban hành, chi cục phối hợp các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách cho ngư dân Phú Vang và sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương khác. Việc thực hiện sẽ được tổ chức hết sức chặt chẽ, thận trọng, làm điểm trước khi nhân rộng.