Một số tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm túc những nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành kỷ luật đảng chưa được tăng cường, dẫn đến nhiều vi phạm, có vi phạm kéo dài, chậm được phát hiện hoặc có phát hiện nhưng việc xử lý chưa kịp thời, thiếu kiên quyết, không thật đúng với lỗi phạm, chưa nghiêm hoặc không dứt điểm…
Bên cạnh tình hình chấp hành kỷ luật chưa tốt thì việc xử lý kỷ luật cũng bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm. Có tổ chức Đảng thiếu tính chiến đấu, nương nhẹ cho nhau, hoặc bao che cho vi phạm. Ngược lại, có nơi lợi dụng kỷ luật để trù dập nhau. Có trường hợp tổ chức Đảng đã xử lý kỷ luật, nhưng chính quyền không thi hành, hoặc thi hành nhẹ hơn như điều động sang công tác khác hoặc cho nghỉ hưu. Cá biệt, cũng có cán bộ bị xử lý kỷ luật ở cấp dưới lại được bố trí một chức vụ tương đương ở cấp trên. Cũng có hiện tượng xử lý kỷ luật theo kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”, đảng viên có chức vụ thì xử lý nhẹ, đảng viên không giữ chức vụ thì xử lý nặng. Cùng một vi phạm, nhưng lại áp dụng một hình thức kỷ luật khác nhau… Có một số nơi áp đặt ý kiến cá nhân trong việc xem xét, kỷ luật, gây oan sai kéo dài nhiều năm đối với cán bộ, đảng viên, nhưng phải qua nhiều cấp giải quyết mới thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật.
Người đứng đầu vì lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, vì bệnh thành tích, né tránh việc kỷ luật… Người vi phạm không bị xử lý kỷ luật tìm mọi cách loại bỏ những người đã đấu tranh phê bình, tố cáo mình như điều động, bố trí sang công việc khác không phù hợp với năng lực, sở trường…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lần phê phán những cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng không thực hiện tốt kỷ luật của Đảng: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình, nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật”.
Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đang đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi phải tăng cường kỷ luật của Đảng. Vấn đề kỷ luật của Đảng vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, vừa mang tính cấp bách.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Những cán bộ có ưu điểm thì phải khen thưởng, người làm trái kỷ luật thì phải phạt. Nếu không thưởng thì không có khuyến khích; nếu không có phạt thì không giữ vững kỷ luật. Thưởng phạt nghiêm minh là cần thiết”.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý, tự phê bình và phê bình trong Đảng, đồng thời thi hành kỷ luật những cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng vi phạm kỷ luật một cách nghiêm túc, đúng phương hướng, phương châm, tính chất, mức độ vi phạm… có tác dụng giáo dục, răn đe, phòng ngừa đối với cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng. Trang bị cho các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung chấp hành kỷ luật của Đảng bao gồm: Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm, kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, những nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết, chỉ thị của các đoàn thể chính trị - xã hội mà cán bộ, đảng viên là thành viên. Kịp thời phát hiện, xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, lãng phí, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy bằng cấp, man khai thành tích để được khen thưởng, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Đấu tranh cảnh báo các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên không chấp hành kỷ luật của Đảng; chống các khuynh hướng buông lỏng hoặc xử lý kỷ luật không công bằng hoặc khắt khe trong việc thi hành kỷ luật của Đảng. Các cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cần nêu gương trong việc chấp hành và thi hành kỷ luật.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành kỷ luật trong Đảng. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện các tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý, nhưng tổ chức Đảng cấp dưới không xử lý thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp trên yêu cầu tổ chức Đảng cấp dưới chuyển hồ sơ lên cấp trên để xử lý và xem xét trách nhiệm của tổ chức Đảng cấp dưới theo đúng quy định tại điểm 2 Điều 38 Điều lệ Đảng.
Để việc kỷ luật Đảng được khách quan, cần phải mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng và trong việc chấp hành, thi hành kỷ luật. Bảo đảm quyền của cán bộ, đảng viên được thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời những chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; quyền được trình bày của cán bộ, đảng viên đối với tổ chức Đảng và trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, ủy ban kiểm tra trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin của cán bộ, đảng viên liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Xem xét, xử lý nghiêm minh, dứt điểm những vụ việc mà báo chí và dư luận xã hội quan tâm.
Tăng cường kỷ luật của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.