Thứ Sáu, 14/03/2014 11:14
(GMT+7)
Thả rông và nhỏ lẻ
TTH - Thời bao cấp khó khăn, gia đình nào cũng có chuồng heo, bầy gà và đàn vịt. Nó như biểu tượng của một nền kinh tế tự cấp, tự cung. Bây giờ đời sống khấm khá, dân phố chẳng còn mấy ai nuôi; thế nhưng ở nông thôn thì vẫn còn.
Thu nhập từ nuôi heo được xem là nguồn thu đáng kể của nhiều gia đình. Còn con gà, con vịt thì lại là chuyện khác. Ví như, sẵn có mảnh vườn nho nhỏ, không ít gia đình đã tận dụng bằng cách nuôi gà thả rông để kiếm thêm ít thu nhập hay dùng trong các dịp kỵ giỗ. Sắp Tết Nguyên đán hay chuẩn bị Tết Mồng năm, nhiều nhà chật chội, vườn tược không có cũng vội vàng mua chục chú vịt con để có “miếng tanh” và cũng thả rông. Về nông thôn nghe bao chuyện cãi cọ, xích mích có lý do bắt đấu từ mấy con gà vịt thả rông đó. Bao luống cải, vườn rau của nhiều hộ hàng xóm không nhô lên được khỏi mặt đất cũng bởi mấy chú gà, o vịt kia.
Chuyện đáng nói hơn gần đây là sự bùng phát của dịch cúm gia cầm các loại. Năm nào cũng có, càng về sau càng phức tạp. Và trong số những nguyên nhân được nhận diện thì chiếm ở vị trí đầu bảng là việc chủ nuôi, mà chủ yếu là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có ý thức phòng chống dịch bệnh và đặc biệt không chịu tiêm phòng cho đàn gà vịt của mình. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 300 nghìn đàn gia cầm, với khoảng hơn 1triệu 800 nghìn con gia cầm các loại; trong đó, chủ yếu là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 22 tỉnh, thành bùng phát dịch, số gia cầm bị dịch bệnh chủ yếu cũng là của những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa được tiêm phòng và tiêu độc đúng cách.
Thả rông và nhỏ lẻ được xem là nhân tố gây nên nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm. Gà vịt thả rông ở khu vực dân cư làm mất vệ sinh môi trường, không quản lý mầm bệnh nên dễ lây lan, phát tán trong cộng đồng. Quy mô nhỏ lẻ, có trường hợp chỉ dăm bảy con, nên tâm lý chung của chủ nuôi phó mặc cho trời đất, xem thường và không chịu (cũng không có khả năng) đầu tư tiêm phòng cho gia cầm. Đó chính là nguy cơ làm lây lan và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.
Khó có thể ngăn cấm việc phát triển chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ và thả rông khi nó đã trở thành thói quen sản xuất lâu đời của người dân. Tuy nhiên, đây là hình thức chăn nuôi mang lại thu nhập không đáng kể, chỉ phát huy tác dụng trong bối cảnh nền kinh tế khép kín tự cung, tự cấp, gặp nhiều hạn chế và khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Vận nên, nó cũng như thửa ruộng manh mún ngày nào. Phải mạnh dạn tháo bỏ nếu muốn phát triển, đưa tiến bộ khó học kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc, tạo ra nhiều của cải vật chất, đảm bảo lợi ích cộng đồng.
Đan Duy