ClockThứ Năm, 16/04/2015 07:13

Tháng hai cúng Đất

TTH - Tháng Giêng vừa đi qua đã nghe vợ bảo “Nhà mình chuẩn bị cúng Đất”. Rồi không cần phải trao đổi mạn bàn chi nhiều, nàng lẳng lặng chuẩn bị, nào giấy áo, nào nhang đèn, nào cỗ dọn…và cứ thế mà làm.

Nhìn qua hàng xóm xung quanh, rồi chạy về làng, thấy hình như các nhà cũng đều lần lượt cúng Đất. Tháng hai cúng Đất mà, xưa cũng là dịp triều đình Huế tổ chức lễ tế đàn Xã Tắc, tế thần Đất và thần Lúa nhằm ngày 24 tháng 2 Âm lịch, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và mùa màng tốt tươi. Còn một dịp nữa, dành cho những nhà khó khăn hay chưa chuẩn bị kịp, đó là vào tháng tám Âm lịch.

Không phải tự nhiên mà người dân Huế có tục lệ cúng Đất. Có câu ca dao xứ Huế xưa đã đi vào tâm trí bao người “Mẹ già lút cút lui cui/ mua gà cúng Đất, đất xui mẹ giàu”. Theo sử sách, tục lệ này đã trải qua 700 năm, gắn liền với sự kiện công chúa Huyền Trân được gã cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành vào năm 1306. Quốc gia Đại Việt được nhận sính lễ là 2 châu Ô và Lý, vùng đất kéo dài từ tỉnh Quảng Bình cho đến Quảng Ngãi ngày nay. Theo suy nghĩ của người dân Việt, đây là vùng đất xa lạ, chưa quen thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình nên khi vào lập nghiệp tại đây, họ mang theo sự tôn kính đối với người dân bản địa và các vị thần linh. Tục lệ cúng Đất ra đời như sự cầu mong thần linh và linh hồn những người bản địa từng cư ngụ nơi đây phù hộ độ trì, chấp thuận cho sự có mặt làm ăn sinh sống của cư dân Đại Việt ta.

Lễ cúng Đất có thể xem là của cả cư dân vùng đất từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Thế nhưng ngày nay vì nhiều lý do, các nơi khác không còn lễ cúng đều đặn, chỉ vùng đất xứ Kinh kỳ đầy tâm linh, vẫn giữ nguyên nét truyền thống ấy. Cũng bởi vì có một xuất xứ đặc biệt kia mà lễ cúng Đất ở Huế có những nét riêng. Đáng chú ý về vật phẩm đặc biệt là các loại rau luộc chấm mắm nêm, xâu cá nướng. Ngoài ra, là những phẩm vật phải có, như gà trống luộc, miếng thị heo, dĩa cua luộc, đọi cháo thánh…Trước khi cúng, gia chủ còn làm một “xà lẹc” bằng bẹ chuối treo sát chân bàn, cúng xong bỏ các món ăn một thứ một tý và đem treo ngã ba đường.     

Thỉnh thoảng vẫn bắt gặp và nghe bao lời phàn nàn về lễ cúng Đất thời nay “thoáng quá”. Không chỉ nhà nhà, mà cả cơ quan, công sở cũng cúng Đất. Rồi thời hiện đại, cúng Đất được tổ chức tốn kém, hàng mã đốt đầy đường, ăn uống nhậu nhẹt linh đình, tốn kém. Lại nghĩ, đó chỉ là thói đời của những kẻ giàu sang, ít hiểu biết. Còn thực tế hơn, lúc gần khi xa, đi ăn cúng Đất là chuyện ân tình quê nhà. Bà con làng xóm quanh năm đầu tắt mặt tối, không có dịp gặp gỡ thì đây “tháng hai cúng Đất” là dịp để gia đình, bạn bè họp mặt sau khi trải qua những tháng ngày cấy cày tất bật. Đôi khi trong cuộc sống thường nhật, nó còn mang tới những kỷ niệm hoặc khoảnh khắc sum vầy trong gia đình, họ tộc hay xóm làng vô cùng đặc biệt.

Hàng chục năm trôi qua vẫn nhớ mãi dạo nhỏ ở quê, cúng Đất là dịp được tôi mong đợi. Đó là một ngày không đoán được. Bất ngờ tạo nên sự thích thú, như nhận được một phần thưởng. Đi học về nghe ngoại bảo “đi cúng đất với ôn”, thế là vội vàng le te chạy theo...

Cái mâm cỗ cúng Đất thời khó khăn sao mà nó ngon lành và vui vẻ đến thế.
Thục Đan
ĐÁNH GIÁ
1
  Ý kiến bình luận
Return to top